Đời sống

Điểm tin đời sống cuối tuần: Sau gần 3 tiếng đồng hồ căng thẳng các bác sĩ đã cứu sống được bệnh nhân u tim

Điểm tin đời sống cuối tuần: Sau gần 3 tiếng đồng hồ căng thẳng các bác sĩ đã cứu sống được bệnh nhân u tim; Thiếu niên 18 tuổi suýt mất mạng vì đột quỵ...

Theo tin từ Công an nhân dân, sáng 19/6 BV ĐKTƯCT cho biết, các BS của BV vừa mỗ cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân có khối u khủng trong tim, nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào. 

Báo Người lao động thông tin, bệnh nhân tên P.T.T. (62 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng). Khoảng một tháng nay, bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, nặng ngực trái. Tình trạng này ngày càng tăng, đặc biệt khó thở nhiều về đêm.

Sau khi bất ngờ bị ngất khi thay đổi tư thế, bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ và được chỉ định nhập viện cấp cứu điều trị tại Khoa Phẫu thuật tim.

Siêu âm tim cấp cứu cho thấy có khối u to ở buồng nhĩ trái, khối u rất di động gây lấp lỗ van hai lá. Cực trên của khối u có dấu hiệu dọa vỡ. Van ba lá hở trung bình, tăng áp động mạch phổi trung bình, suy tim độ III.

Theo đó, hội đồng chuyên môn chỉ định phẫu thuật tim cấp cứu vì nguy cơ đột tử do khối u lấp hoàn toàn van hai lá; nguy cơ lấp mạch cơ quan ngoại vi do khối u vỡ.

Ê kíp BSCK2 Lâm Việt Triều; BSCK2 Nguyễn Khắc Minh Trường; Ths-Bs Nguyễn Công Cửu; Ths-Bs Lê Thị Kim Luyến tiến hành phẫu thuật tim cho bệnh nhân.

Các BS đang phẫu thuật cho bệnh nhân T

Sau gần 3 tiếng đồng hồ căng thẳng, các BS đã lấy trọn khối u nhầy kèm cuống kích thước 30x50mm (bằng quả trứng vịt); tái tạo vách liên nhĩ bằng màng tim; sửa van ba lá Devega… Hiện, bệnh nhân hồi phục tốt, tự đi lại, sinh hoạt, ăn uống bình thường, không còn ngất.

Theo BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc BVĐKTƯCT, u nhầy là u thường gặp nhất trong các u nguyên phát của tim, thường là u lành tính. Tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân cư nói chung rất ít từ 0,3 – 0,5/1.000 dân. U nhầy gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 30 – 50, hiếm gặp ở trẻ em và người già.

“Phẫu thuật tim là phẫu thuật chuyên sâu chỉ được thực hiện ở một số bệnh viện tuyến Trung ương và trung tâm tim mạch lớn. Đặc biệt, phẫu thuật tim cấp cứu đòi hỏi sự phát triển, phối hợp nhịp nhàng các chuyên khoa. Sự thành công của ca mổ này là kết quả phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa liên quan. Đây cũng là thế mạnh của BVĐKTƯCT”, BS Phong cho hay.

Thiếu niên 18 tuổi suýt mất mạng vì đột quỵ

Theo truyền thông ở Đại lục (Trung Quốc), một thiếu niên 18 tuổi họ Chen có tiền sử bệnh thận, vì thường xuyên thức khuya và uống rượu đã dẫn đến huyết khối tĩnh mạch. Bác sĩ đã loại bỏ huyết khối của bệnh nhân, tình trạng của bệnh nhân được cải thiện ngay sau khi phẫu thuật. Nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ của bệnh nhân là do mắc bệnh về hệ miễn dịch và thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Chàng trai suýt mất mạng vì đột quỵ đã bình phục. 

Bác sĩ He Xiongjun, Phó Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Đại học Y khoa phía Nam Thâm Quyến, người phụ trách chẩn đoán cho bệnh nhân, cho biết người này bị đau đầu dữ dội và hơi choáng váng khi nhập viện.

Nếu huyết khối không được loại bỏ kịp thời, có 5-6% sẽ bị đe dọa tính mạng, sưng não và thậm chí là một vùng não lớn bị chết và có nguy cơ thoát vị não (biến chứng của áp lực nội sọ).

Ông Xiongjun cũng chỉ ra rằng đột quỵ có xu hướng ngày càng trẻ hóa, thậm chí có những bệnh nhân bị đột quỵ khi mới chỉ khoảng 10 tuổi. Nhiều người trẻ có áp lực công việc cao, nhưng không chú ý đến tình trạng thể chất của họ lại thường xuyên thức khuya, dẫn đến các vấn đề như huyết áp cao, đột quỵ.

Bé sơ sinh bỏ rơi dưới hố ga ở Hà Nội bị xẹp phổi

Hôm nay (20/6), bé Nguyễn Văn An bước sang ngày điều trị thứ 12. BS Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Nhi sơ sinh, BV Xanh Pôn cho biết, tình trạng nhiễm khuẩn của bé vẫn còn nặng, phổi trái bị xẹp nhưng bé phản xạ tốt, có thể ăn 8 bữa sữa/ngày qua ống xông, mỗi bữa 10 ml.

Bé trai bị bỏ rơi tiên lượng vẫn còn nặng

Ngày 17/6 vừa qua, bé đã được được rút nội khí quản, ngưng thở máy nhưng sau đó do sức khoẻ bé yếu đi nên từ trưa 19/6, bệnh nhi phải thở máy thở lại.

Theo BS Giang, do ngay khi nhập viện bé đã bị nhiễm khuẩn nặng, sau đó bị sốc nhiễm khuẩn nên việc điều trị rất khó khăn. Từng có thời điểm, sức khoẻ của bé rất xấu, tuy nhiên nhờ sự phối hợp của nhiều chuyên gia và các bác sĩ BV Nhi Trung ương, tình trạng sốc của bé đã được kiểm soát.

Do tiên lượng còn nặng nên trong những ngày tới, bé sẽ tiếp tục được điều trị tích cực.

Trang Dung (t/h)