Tài chính - Ngân hàng

Diêm Thống Nhất: Ngọn lửa dần tắt từ một huyền thoại

Những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh là hình ảnh quen thuộc với không ít người dân Việt Nam. Vậy nhưng sau 63 năm thăng trầm, ngọn lửa diêm Thống Nhất nay chỉ còn là một thương hiệu “vang bóng một thời”.

Thời kỳ hoàng kim

Nhà máy Diêm Thống Nhất được thành lập năm 1956, là công xưởng sản xuất đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc sau năm 1954. Nhà máy này thậm chí còn ra đời trước những thương hiệu xưa của Hà Nội như Điện cơ Thống Nhất, Giày Thượng Đình (1957), Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (1961), Cao su Sao Vàng (1960)…

Những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh là hình ảnh quen thuộc với không ít người dân Việt Nam.

Cùng với các sản phẩm giày của Thượng Đình, cao su Sao Vàng, bóng đèn phích nước của Rạng Đông, quạt điện Thống Nhất… diêm Thống Nhất là sản phẩm đặt nền móng cho nền sản xuất miền Bắc.

Ở giai đoạn đầu, toàn bộ sản phẩm của nhà máy đều là diêm. Những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh là hình ảnh quen thuộc với không ít người dân Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn hoàng kim nhất của sản phẩm này.

Khi còn hoạt động dưới thời kỳ bao cấp, không vì mục tiêu lợi nhuận, Diêm Thống Nhất gần như nắm giữ 100% thị phần diêm tạo lửa tại thị trường phía Bắc. Nhà máy Diêm Thống Nhất tấp nập với hàng nghìn công nhân sản xuất ngày đêm.

Đến năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất với quy mô hơn 500 lao động.

Khi hầu hết gia đình Việt vẫn sử dụng bếp than và bếp củi để sinh hoạt, những bao diêm Thống Nhất có giá chỉ 100 đồng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân.

Không chỉ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, diêm Thống Nhất cũng đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trong đó, khách hàng ngoại lớn nhất mua diêm từ Việt Nam Công ty Sincer Match của Malaysia.

Ngọn lửa tắt dần

Là một trong số ít thương hiệu vang bóng một thời còn sản xuất kinh doanh và chưa năm nào phải báo lỗ, nhưng hoạt động của Diêm Thống Nhất gặp rất nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm tạo lửa khác của Trung Quốc.

Từ giai đoạn nền kinh tế bắt đầu mở cửa, cũng như nhiều thương hiệu xưa khác, Diêm Thống Nhất cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa Trung Quốc.

Một xưởng làm việc trong nhà máy Diêm Thống Nhất. Ảnh: Lao động

Năm 2018, công ty ghi nhận 123 tỷ đồng doanh thu nhưng giá vốn chiếm hơn 83%, sau khi trừ các chi phí hoạt động Diêm Thống Nhất thu về vỏn vẹn 2 tỷ đồng lãi ròng sau thuế.

Nhiều năm trước đó, doanh thu công ty đều đạt trên 100 tỷ nhưng dây chuyền sản xuất cũ, giá nguyên liệu tăng khiến giá vốn công ty luôn chiếm tỷ lệ cao. Kết quả lợi nhuận dao động trong khoảng 2-3 tỷ/năm, thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp xưa khác.

Lãnh đạo công ty từng thừa nhận, so với sản lượng tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm/năm cách đây 10 năm, sản lượng diêm hiện nay đã giảm xấp xỉ 50% xuống còn khoảng 100 triệu bao/năm. Đà sụt giảm này được dự báo sẽ tiếp tục khi các sản phẩm tạo lửa trên thị trường ngày càng đa dạng, số lượng người dân chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện cũng tăng nhanh.

Nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất các sản phẩm của công ty chủ yếu là gỗ. Nguyên liệu này chiếm gần 50% đối với diêm, trong khi các hóa chất, phụ liệu khác chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Những biến động về giá cả nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty này.

Việc thu mua gỗ phù hợp với sản phẩm cũng ngày càng trở nên khó khăn vì nguồn cung ngày càng hạn chế, giá cao.

Với giá thành hiện tại chỉ vài trăm đồng một bao, sản lượng liên tục sụt giảm đã khiến Diêm Thống Nhất phải thay đổi kế hoạch tập trung sản xuất bật lửa. Điều này càng khiến sản phẩm diêm của công ty bị thu hẹp thị phần trong nước.

Ngoài những chiếc bật lửa được thiết kế theo phong cách truyền thống ra, thương hiệu này còn cho ra sản phẩm: diêm Tết, diêm quảng cáo (theo đơn đặt hàng), diêm Xì gà, diêm Khách sạn,…

Bật lửa thì có bật lửa dành riêng cho hút tẩu, bật lửa châm nến, bật lửa dạng “Cricket” với giá thành cao hơn một chút vì hướng tới phân khúc thị trường có nhu cầu hơn về mẫu mã thiết kế móc treo ở đầu giúp chiếc bật lửa có thể trở thành một dạng lưu niệm hay để treo cùng chùm chìa khóa cũng rất tiện lợi.

Từ năm 2014, bật lửa Thống Nhất đã đạt số lượng tiêu thụ 1,65 triệu chiếc. Năm 2015 doanh số đạt 5,2 triệu chiếc.

Năm 2016, Diêm Thống Nhất đặt mục tiêu tiêu thụ 85 triệu chiếc bật lửa nhưng đến cuối năm, chỉ có 10 triệu chiếc được tiêu thụ, tương đương 12% kế hoạch. Năm 2017, sản lượng tiêu thụ chỉ tăng 10%. Còn 2018, công ty kỳ vọng tiêu thụ 18 triệu sản phẩm nhưng hết năm chỉ hoàn thành hơn 80%.

“Khai tử” diêm Thống Nhất

Đến thời điểm này, do thị trường diêm sụt giảm nghiêm trọng, nhà máy sản xuất diêm Thống Nhất chỉ còn 50 người. Sản lượng diêm trong những năm gần đây liên tục giảm.

Nếu như năm 2018 là 90 triệu bao/năm, thì sang năm 2019 giảm còn 70 triệu bao/năm. Bình quân mỗi năm, sản lượng giảm từ 20-30%. 

Năm 2019, Diêm Thống Nhất đặt mục tiêu doanh thu 113 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng, cùng giảm so với năm 2018.

Việc chấm dứt mảng bán lẻ cũng đồng nghĩa với việc kết thúc "vòng đời" 63 năm của thương hiệu diêm vang bóng một thời tại Việt Nam.

Ban lãnh đạo công ty nhận định, thị trường diêm đang giảm theo chu kỳ và đúng với kịch bản mà công ty dự kiến. Đối với sản phẩm bật lửa, công ty đã dần xây dựng được các nhà phân phối và dung lượng từng thị trường cũng có sự tăng trưởng song số lượng tiêu thụ còn hạn chế so với kỳ vọng.

Từ thực tế trên, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất (DTN) vừa qua đã quyết định từ năm 2020 sẽ "khai tử" sản phẩm diêm bán đại trà nhưng vẫn tiếp tục sản xuất các loại diêm quảng cáo theo nhu cầu của khách hàng.

Đồng thời, công ty cũng cho biết đã hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để sản xuất loại Diêm truyền thống với chất lượng, mẫu mã tốt hơn và chi phí hợp lý hơn. Công ty sẽ dừng toàn bộ hoạt động sản xuất diêm và hủy giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM.

Nghị quyết của công ty cũng cho biết đã thông qua hủy giao dịch trên sàn UPCoM và rút cổ phiếu DTN khỏi thị trường chứng khoán theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán do số lượng cổ đông của công ty giảm xuống dưới 100. 

Theo quy định, chứng khoán sẽ bị hủy giao dịch trên UPCoM trong trường hợp không còn là công ty đại chúng (số lượng cổ đông dưới 100, vốn dưới 10 tỷ đồng) hoặc chấm dứt tồn tại do mua bán - sáp nhập hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Tuy không "khai tử" hoàn toàn sản phẩm diêm Thống Nhất nhưng việc chấm dứt mảng bán lẻ cũng đồng nghĩa với việc kết thúc "vòng đời" 63 năm của thương hiệu diêm vang bóng một thời tại Việt Nam.

Bích Phương