Điểm thi và lòng tự trọng

Những con số điểm bất ngờ được tăng lên chỉ trong vòng 6 giây. Nhưng điều đó không làm tăng lên lòng tự trọng của những con người trên mảnh đất anh hùng một thời.

Khoảng 5, 6 năm trở lại đây, ba tôi có dịp trở lại Hà Giang cùng những người chiến hữu từ thuở chiến tranh. Bản làng nơi đây đã khác, cuộc sống cũng đủ đầy hơn. TP.Hà Giang, nơi gắn liền với mối tình đầu của ba tôi, nay cũng vươn mình với nhiều hơn những tòa nhà cao tầng, cho thấy một sự đổi thay của các tỉnh miền núi.

Ba còn tự hào rằng, thị trấn ở đây dài có khoảng vài trăm mét thôi, nhưng mức sống cũng tầm tầm với thị trấn ở mình rồi đấy. Tuy là vậy, tỷ lệ trẻ em vùng bản đi học ở Hà Giang vẫn còn rất thấp so với trung bình cả nước. Ở thành phố, hầu hết các gia đình vẫn có thể trang trải cho con đi học ổn định. Tuy nhiên, các trường học từ THCS đến THPT vẫn còn rất ít. Nhiều gia đình phải đưa con xuống thành phố Tuyên Quang để nhập học.

Tôi chợt hiểu ra, những người bạn cùng trang lứa với mình ở đó, họ không học bằng no đủ thường nhật hay những cơ sở hạ tầng tiện lợi. Tất cả những gì họ mang đến Thủ đô Hà Nội phồn hoa là lòng tự trọng và hoài bão lớn.

Ai trong số chúng ta cũng có những ước vọng của riêng mình để được làm những gì mình yêu thích. Tôi có người bạn tên Quang chỉ học chung với nhau nửa năm đầu đại học. Ước mơ của cậu ấy là được đứng trong hàng ngũ quân đội, mặc đồng phục, đeo quân hàm và bảo vệ đất nước. Năm 2017, cậu quyết tâm thi lại vào học viện An ninh nhân dân và đã thành công. Những ước mơ luôn đi liền với hai từ "nỗ lực".

Thậm chí, thời đại ngày nay, nền kinh tế tri thức bắt đầu xâm lấn sâu vào đời sống con người làm tăng tính khốc liệt của cuộc cạnh tranh phát triển thì nỗ lực ấy càng đáng được tôn trọng. Ấy thế mà, nhiều người bất chấp cả những lẽ sống kia mà tước bỏ đi giấc mơ, hoài bão của biết bao cậu bé, cô bé thơ ngây chỉ biết rằng "cứ học giỏi là sẽ thành công thôi".

Điểm cao bất thường ở Hà Giang. 

Những ngày qua, vụ việc điểm thi đại học ở Hà Giang cao bất thường được mọi người quan tâm và có phản ứng vô cùng gay gắt. Quả thật, nhìn vào phổ điểm của tỉnh Hà Giang, không ai là không nhận ra những điều bất thường đến vô lý. Chỉ riêng khối A1, tính trên cả nước mới chỉ có 76 em đạt từ 27 điểm trở lên. Trong khi đó, ở Hà Giang đã chiếm 36 trên tổng số, nghĩa là gần một nửa cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu vào cuộc sau khi khảo sát phổ điểm thống kê qua 2 năm 2017 và 2018. Đến ngày hôm nay, những dòng tin đầu tiên đã cho mọi người biết đôi phần của sự thật đằng sau những điểm số chứ không chỉ dừng lại ở mức nghi vấn.

Những nguồn tin từ quần chúng trên mạng xã hội làm manh nha vụ việc đã được hơn 1 tuần. Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu vào cuộc và phối hợp cơ quan công an điều tra, làm rõ. Họp báo được tổ chức tại tỉnh Hà Giang. Sau biết bao nhiêu năm, đâu đó người dân vẫn phàn nàn về giáo dục nước mình như vậy, tôi thấy lòng hả hê vì đã đến lúc, người ta quyết liệt đi tìm công bằng cho hàng triệu học sinh.

Sáu giây cho một trường hợp chỉnh sửa và chỉ mất 2 tiếng để ông Vũ Trọng Lương làm đẹp bảng điểm thi đại học của học sinh tỉnh Hà Giang. Thế nhưng, 2 tiếng ấy chẳng thể nào cứu vãn nổi chất lượng lao động sau khi ra trường ngày một đi xuống, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Sinh viên ra trường đến một tờ đơn mà gõ mãi không xong. Chưa kể, tôi đã chứng kiến, một sinh viên báo chí chính quy viết những câu còn thiếu hẳn vị từ.

Và  liệu rằng công chức Vũ Trọng Lương có thể một mình thực hiện vụ gian lận điểm "vi diệu" với hơn 300 bài thi của hơn 100 thí sinh, chỉ trong vài tiếng đồng hồ hay không? Nghi vấn này sẽ được cơ quan chức năng làm rõ về sau. Song, dù thế nào, vụ gian lận này sẽ đi vào lịch sử khoa cử Việt Nam, bởi sau Hà Giang, đã xuất hiện trên truyền thông những nghi vấn tương tự ở các địa phương khác, như Sơn La, Lạng Sơn... Điều này cho thấy càng cần phải sớm làm sáng tỏ vụ việc ở Hà Giang để rộng đường dư luận.

Tôi nhớ một ví dụ khá hay trong cuốn Dân chủ và giáo dục của John Dewey. Ông có nói về sự khác nhau giữa huấn luyện và giáo dục rồi đưa ra hình ảnh về con ngựa. Hành động của con ngựa chẳng bao giờ thực sự đóng góp vào mục đích xã hội. Bởi lẽ, suy cho cùng nó quan tâm đến thức ăn, còn chúng ta lại quan tâm tới những lý tưởng cao cả hơn rất nhiều. Cũng giống như những lớp trẻ mới bước khỏi cổng trường phổ thông, nếu đặt chúng vào những môi trường không thuộc về mối quan tâm của chúng, thì liệu chúng ta sẽ còn tạo ra biết bao "con ngựa" cho xã hội nữa đây.

Mỗi ngành nghề chúng ta làm đều đòi hỏi một niềm đam mê và khát vọng rõ ràng. Chẳng ai bắt một kỹ sư máy tính đi làm thơ hay một người chưa cất tiếng hát bao giờ đi làm ca sĩ. Những người làm giáo dục đừng đánh mất sự công bằng trong xã hội và tiếng nói đầy nghị lực của những em học sinh mang trong mình khát khao chân chính.

Người đời vẫn hay nói, "yêu nhau yêu cả đường đi – ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng". Vụ việc gian lận điểm này sẽ để lại một ký ức đáng buồn, đáng quên của tỉnh Hà Giang và thậm chí đối với những em là học sinh Hà Giang. Có thể lắm chứ, khi các em bước chân lên thành phố học tập và làm việc, "tiếng xấu đồn xa" sẽ trở thành nỗi mặc cảm đáng sợ. Nhưng bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cơ quan công an và các ngành chức năng đã vào cuộc, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm minh thì tin rằng, các em sẽ sớm được minh oan sau những tư duy "vơ đũa cả nắm" đó và lại nỗ lực hết mình, cố gắng vươn lên xứng danh mảnh đất anh hùng.

Ngoài tỉnh Hà Giang, liệu có còn "Hà Giang nào chưa bị lộ" cần phải "sờ gáy" tới hay không? Câu hỏi ấy có lẽ sẽ để bạn đọc và những ai cho rằng mình làm giáo dục chân chính tự vấn và trả lời.

Diệc Nhu

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.