Toàn cảnh

Điểm nổi bật của 63 Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025

Trong số 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khóa mới, có 29 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 12 Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa XII.

Đến ngày 28/10, toàn bộ 63 Đảng bộ tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ và các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy.

Về độ tuổi, có hai Bí thư thuộc thế hệ 5X (Hà Nội và TP.HCM, chiếm 3%), 34 người thuộc thế hệ 6X (54%) và 27 người thế hệ 7X (43%). Bí thư trẻ nhất là ông Lê Quốc Phong, sinh năm 1978, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Hai người nhiều tuổi nhất là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đều cùng 63 tuổi.

Chú thích ảnh

Trong số 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khóa mới, có 29 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, trong đó gồm 1 Ủy viên Bộ Chính trị (Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ) và 1 Bí thư Trung ương Đảng (Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên). Ngoài ra, có 12 Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa XII, 22 người còn lại chưa tham gia Trung ương khóa XII.

Trong số 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khóa mới, có 41 người tái đắc cử (là Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ trước), 22 người là các Bí thư được bầu mới. Trong 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 34 Bí thư Tỉnh ủy không phải người địa phương.

Về trình độ, trong số 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy khóa mới, có 52 người có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, chiếm tới 82,54%. Trong đó, số người có trình độ Tiến sĩ là 19 người, chiếm 30,16%; số người có trình độ Thạc sĩ là 33 người, chiếm 52,38%; số người có trình độ Cử nhân, Kỹ sư chỉ có 11 người, chiếm 17,46%. Người có học hàm GS là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Hai người có học hàm PGS là bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Đáng chú ý, có 11 người được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển trong năm 2020 và đều đắc cử, tái đắc cử làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025.

Cụ thể, tháng 2, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Tháng 4, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XI, được điều động, phân công, chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thay bà Nguyễn Thị Thanh.

Trong tháng 5, có hai người được Bộ Chính trị điều động là: Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, được điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; và bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, được điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Tháng 7, Bộ Chính trị điều động ông Lê Quang Tùng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhiệm kỳ 2015-2020. Cũng trong tháng 7, Bộ Chính trị quyết định điều động ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, làm Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, và điều động ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Đến tháng 8, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng được Bộ Chính trị điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.

Trong tháng 10, Bộ Chính trị quyết định chỉ định ông Lê Quốc Phong, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và giới thiệu để bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025; chỉ định ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu giữ chứ Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025; chỉ định ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.

Ảnh Vn Economy

Hương Lan