Chính sách

Điểm mới thi công chức, viên chức: Giảm điểm ưu tiên với người được hưởng chính sách

Nghị định 161 có nhiều điểm mới rất quan trọng, trong đó nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch.

Sáng 15/8, bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc “Tập huấn Nghị định 161 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 03 của Bộ Nội vụ về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước”.

Thông tin tại hội nghị, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng vụ Công chức - Viên chức (bộ Nội vụ) cho biết, những Nghị định 161 của Chính phủ về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước có một số điểm mới.

Ông Trương Hải Long, Vụ trưởng vụ Công chức - Viên chức (bộ Nội vụ).

Theo đó, điểm mới đầu tiên là các cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.

Điểm ưu tiên trong quá trình tuyển dụng sẽ được cộng vào kết quả điểm thi tại vòng 2 (vòng thi kiến thức chuyên môn). Hình thức thi sẽ có 2 vòng: vòng trắc nghiệm thi trên máy tính, nếu không có máy tính sẽ thi trắc nghiệm trên giấy. Kết quả vòng 1 được xác định theo số câu hỏi trả lời đúng cho từng phần thi quy định, nếu trả lời đúng 50% câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì được vào vòng 2.

Ông Long cũng cho biết, trong quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng đặc cách công chức, viên chức cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện sẽ không phải lấy ý kiến thống nhất của bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương như trước đây.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi quy định về tuyển dụng đặc cách công chức, viên chức sẽ theo hướng chỉ để giải quyết việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, còn việc thực hiện chính sách thu hút sẽ áp dụng theo Nghị định 140 của Chính phủ.

Theo lãnh đạo vụ Công chức - viên chức, việc tuyển dụng công chức, viên chức sẽ có những nội dung được đẩy mạnh phân công, phân cấp cho địa phương.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan được giao tuyển dụng công chức sẽ có quyền quyết định hình thức tuyển là phỏng vấn hoặc thi viết tại vòng 2. Giao thẩm quyền quyết định việc quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển (bỏ quy định phải có ý kiến thống nhất của bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương).

“Theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP, một số đối tượng thi tuyển công chức, viên chức không còn được hưởng nhiều điểm ưu tiên như trước đây. Nếu như trước đây, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng lao động… được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển, nay chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2.

Tương tự, người dân tộc thiểu số, sỹ quan quân đội, công an; quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh, liệt sỹ... cũng chỉ còn được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm vào tổng điểm”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Long rằng, tuyển dụng công chức, viên chức phải được đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, hồ sơ tuyển dụng công chức, viên chức được thay bằng phiếu đăng ký dự tuyển.

Đặc biệt, khác với Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định khá chi tiết về hợp đồng làm việc của viên chức. Viên chức được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập phải ký hợp đồng làm việc lần đầu từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Sau khi hết thời hạn này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét quyết định ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.

Nếu ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn, sau khi hết hạn hợp đồng, người đứng đầu đơn vị phải xem xét ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng.