Giáo dục

Diễn đàn Hà Nội 2018: Tìm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Chiều 9/11, Diễn đàn Hà Nội 2018 với chủ đề “Hướng đến phát triển bền vững - Ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh” đã chính thức diễn ra với sự tham gia của gần 500 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, các diễn giả và các nhà khoa học nổi tiếng trong nước và trên thế giới.

Diễn đàn Hà Nội là một sáng kiến của đại học Quốc gia Hà Nội, ra đời với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Hà Nội 2018, Thứ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành khẳng định: “Diễn đàn Hà Nội 2018 là thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành của các cơ quan của Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Đại biểu tham dự lễ khai mạc.

Ông cho biết thêm: “Chính phủ Việt Nam sớm nhận thức được các thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu với phát triển bền vững đất nước. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều kế hoạch hành động từ cấp quốc gia, cấp ngành và cấp địa phương nhằm tăng cường về khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là một trong những nỗ lực to lớn của Việt Nam khi là một nước đang phát triển và vừa mới gia nhập vào nước có thu nhập ở mức trung bình thấp.

Tuy nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thì ngoài nỗ lực của Chính phủ thì các địa phương cần có sự tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả hơn nữa của các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục và đào tạo, các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

GS. TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường đại học KHXN&NV, ĐHQGHN nhận định: "Diễn đàn Hà Nội 2018 có 1 vị trí rất quan trọng, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của các cấp và nhân dân. Hiện nay chúng ta vẫn còn xem thường, chưa có 1 kế hoạch tổng thể, Chính phủ nên dành 1 khoản ngân sách nhất định, bước đầu ngăn chặn, giảm thiểu các tác động xấu của biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề này".

Cùng trao đổi một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Helen Clark - nguyên Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh: “Việc ứng phó đối với biến đổi khí hậu cần phải được tích hợp vào kế hoạch phát triển quốc gia và tôi chắc chắn Việt Nam đã làm được điều này rồi. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cẩn trọng, không nên phát triển xa hơn nữa ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sản xuất lương thực của Việt Nam cũng cần được cảnh báo thận trọng vì sự xâm nhập mặn của nước biển hiện là vấn đề lớn, ảnh hưởng nhiều tới diện tích đất canh tác của Việt Nam, cho nên Việt Nam nên xem xét mức độ thích ứng như thế nào của ngành nông nghiệp là phù hợp nhất với tình huống bây giờ”.

Thứ trưởng bộ KH&CN Phạm Công Tạc phân tích: “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến từng gia đình và từng con người, không phân biệt quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Nhưng để giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều không thể giải quyết được. Ở đây đòi hỏi có sự gợi mở về những giải pháp, vấn đề truyền thông cho cộng đồng để mỗi người dân Việt Nam có ý thức về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ mới đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế”.

Thứ trưởng bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi lễ.

Được biết tại diễn đàn này sẽ có các cuộc trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với 05 mục tiêu cốt lõi như sau: Xác định và phân tích các bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu; Hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với biến đổi khí hậu; Đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải các-bon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu; Tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế và khu vực.

Cùng với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) và các cơ quan liên quan như bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP.Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với vị trí một Đại học lớn hàng đầu Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia và luôn đồng hành cùng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi có sự cộng hưởng sức mạnh của tất cả các bên liên quan, chính phủ, tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp... cho đến từng người dân. Sự tham gia, đóng góp và cộng hưởng của các bên liên quan sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững và sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong phiên toàn thể, các đại biểu được nghe báo cáo tham luận từ các chính khách, nhà quản lý, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và ở Việt Nam.

Sau phiên toàn thể, ngày 10/11, 5 tiểu ban chuyên môn của Diễn đàn sẽ thảo luận về 5 vấn đề: Bằng chứng về biến đổi khí hậu và an ninh; tác động của con người lên biến đổi khí hậu; ứng phó với biến đổi khí hậu; chính sách và quản trị về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đặc biệt, ngày 10/11, diễn đàn sẽ tổ chức hai phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao ở đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.