Tiêu dùng & Dư luận

Dịch vụ “ship” đồ ăn GrabFood sẽ tăng giá vào giờ cao điểm

Cùng với việc bổ sung phí “đến muộn” đối với dịch vụ đặt xe, Grab tiếp tục áp dụng một loại phí mới đối với dịch vụ giao đồ ăn GrabFood trong trường hợp quán đông khách, giờ cao điểm.

Ảnh minh họa.

Từ ngày 23/10, dịch vụ giao đồ ăn GrabFood chính thức áp dụng chính sách cước phí linh hoạt theo từng nhà hàng tùy theo khu vực, thời gian và nhu cầu của khách hàng. Đây được coi là một động thái tích cực từ phía Grab nhằm hỗ trợ các đối tác tài xế của mình.

Theo bảng cước phí dịch vụ GrabFood hiện tại, giá cước 5 km đầu tiên là 15.000 đồng, mỗi km tiếp theo được tính 5.000 đồng và phụ phí thay đổi lộ trình là 5.000 đồng/km. 

Với chính sách cước phí linh hoạt được áp dụng từ ngày 23/10, cước phí linh hoạt sẽ luôn lớn hơn hoặc bằng cước phí tối thiểu.

Như vậy tương tự dịch vụ GrabBike hay GrabCar, mức cước phí giao đồ ăn GrabFood có thể sẽ được điều chỉnh vào các khung giờ cao điểm hoặc áp dụng với đơn hàng tại các quán ăn có lượng khách đông khiến tài xế phải đợi lâu. Mức cước 15.000 đồng là chi phí tối thiểu cho mỗi lần đặt hàng và giá cước linh hoạt sẽ luôn lớn hơn con số này.

So sánh mức phí sau khi áp dụng phí linh hoạt (ảnh: CafeF).

Chia sẻ với Zing.vn, anh Trương Quốc Vinh - chủ quán Cơm gà Hải Nam tại quận 1, TP.HCM cho biết lượng khách đến quán rất đông vào các khung giờ cao điểm. Do đó, nhiều đơn hàng cần chuẩn bị cầu kỳ buộc tài xế chờ 15-20 phút. Đây cũng là tình trạng chung đối với các nhà hàng, quán cà phê nổi tiếng khác. 

Trước đó, GrabFood đã điều chỉnh cách tính giá cước mới ở khu vực Tp.Đà Nẵng – Hội An – Huế, áp dụng từ tháng 8/2019, thay vì 15.000 đồng/5km đầu thì giá cước mới áp dụng tính cước tối thiểu 15.000 đồng/3km đầu và 5.000 đồng/mỗi km tiếp theo. Giá cước này chưa bao gồm phụ phí ban đêm 10.000 đồng/chuyến xe. Điều này giúp các tài xế có thu nhập cao hơn và hoạt động hiệu quả những cuốc xe có lộ trình dài.

Tài xế Nguyên Hưng (25 tuổi) cho biết, mức tăng thường từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng. Với một số quán nổi tiếng cần xếp hàng chờ lâu, giá cước có khi lên đến 25.000 đồng dù khoảng cách chưa đến 3 km. 

"Thời gian qua số lượng tài xế tăng lên nhiều nên đơn hàng cũng ít. Việc thưởng 12.000 đồng/cuốc giờ cao điểm từ trước và tăng giá như bây giờ cũng hỗ trợ chúng tôi phần nào", anh Hưng chia sẻ.

Chính sách mới hỗ trợ đối tác tài xế có thêm thu nhập (ảnh minh họa).

Việc áp dụng phí linh hoạt được cho là khá bất lợi cho các khách hàng đặt các đơn nhỏ lẻ. Chị Thảo Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) bày tỏ: "Tôi đặt cơm trưa giá 35.000 đồng mà phí vận chuyển lên đến 22.000 đồng. Tôi thấy chi phí gần 60.000 đồng như thế là hơi cao".

Tuy nhiên nếu theo một nghiên cứu công bố đầu năm nay của GCOMM, giá cước không phải là vấn đề lớn đối với dịch vụ giao nhận đồ ăn trực tuyến. Nghiên cứu này chỉ ra 5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).

Trên thực tế, chính sách giá cước linh hoạt cũng được áp dụng ở các ứng dụng khác như Go-Food, Now. Theo đó, nếu không sử dụng khuyến mãi thì phí vận chuyển ở các ứng dụng này không chênh lệch nhiều.

Bá Di (T/h)