Tiêu dùng & Dư luận

Dịch vụ giao đồ ăn cạnh tranh thời bão giá

Dịch vụ giao đồ ăn ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trong thời buổi bão giá như hiện nay, việc đặt đồ ăn qua các ứng dụng cũng được xem là một bài toán.

Gần 10h sáng anh Trương Quang Triệu - Tài xế xe công nghệ đậu xe máy dưới một tòa nhà trên một con đường sầm uất gần trung tâm Tp.HCM phần vì đơn đặt hàng đi quá gần khiến anh phải từ chối vì không đủ tiền xăng, phần vì hiện nay khách cũng đã hạn chế đặt đồ ăn trên ứng dụng. “Trước mắt công ty chưa có hỗ trợ cho xe hai bánh, chỉ hỗ trợ cho xe bốn bánh thôi. Bây giờ xăng tăng chạy chỉ đủ ăn uống chứ không dư ra nhiều, chiết khấu bây giờ khoảng 30%/ cuốc xe. Ngày trước một ngày làm 1 triệu thì mất tiền phí cho công ty 200 ngàn, tiền xăng 150 ngàn, còn bây giờ 1 triệu thì mất 300 ngàn tiền phí, 200 ngàn tiền xăng nên mình chỉ ăn được khoảng 50% thôi”, anh Triệu cho hay.

Trước đây cô Nguyễn Thị Phượng là tài xế giao đồ ăn của một hãng xe công nghệ nhưng nay cô đã nghỉ việc đi chạy đơn bên ngoài do chiết khấu mỗi đơn quá cao khiến mỗi tháng thu nhập của cô không đủ để sinh hoạt trong gia đình. “Tui chạy cho app cũng năm mấy hai năm nhưng chiết khấu không đủ thu nhập, nhiều khi đơn hàng có 10 ngàn đi rất xa mới lấy được đồ ăn nên chán quá tui bỏ, 10 đơn mà đổ xăng cái là thấy hết tiền”, cô Phượng chia sẻ.

Theo nhiều chủ quán ăn, thực tế khi áp dụng mã khuyến mãi, quán phải tự gánh toàn bộ phần giảm giá, hết khuyến mãi là hết khách.

Quán cơm này của gia đình anh Cường chuyên bán xôi sườn và đồ ăn vặt có mặt trên hầu hết các app giao đồ ăn. Nếu không có khuyến mãi thì lượng khách đặt hàng trên ứng dụng thua xa khách đến mua trực tiếp. “Thực sự bán đồ trên app không nhiều bằng bán đồ tại quán còn mức chiết khấu hiện tại của quán là do quán đạt được mức target nhiều hơn các app đưa ra nên mức chiết khấu thấp hơn so với thị trường chút xíu ví dụ Shopee Food hay Beamin đều là 20% còn theo như mình biết thì các quán khác là 25%”, anh Cường Trần, chủ quán xôi sườn A Béo, quận 10, Tp.HCM cho biết.

Nhiều quán ăn như anh Cường chấp nhận “cầm hòa” để không tăng giá.

Với mức chi phí từ 25-30%, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn ở Tp.HCM cho rằng, trong lúc vật giá leo thang hiện nay, các đơn vị cung cấp ứng dụng chẳng những không giảm mà còn tăng tỷ lệ chiết khấu hoặc các khoản phí, khiến họ không còn lợi nhuận và chấp nhận hòa vốn. “Giá trên app lúc nào cũng cao hơn từ 4-5 ngàn tùy những món thì cao hơn 10-15 ngàn vì mức chiết khấu cho app nếu mình giữ bằng với giá bán tại quán thì người ta sẽ quan app đặt hết, thứ hai là nếu bán bằng chiết khấu thì mình không còn lợi nhuận nữa nên mình phải tăng giá cao hơn so với quán”, anh Cường cho biết thêm.

Theo thống kê của nền tảng công nghệ đa dịch vụ Gojek, trong quý 1/2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng này tăng gần gấp đôi, với tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội lên tới 220% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, lượng người dùng mới tăng mạnh ở cả 2 thành phố, đạt hơn 160% ở Hà Nội và 80% tại Tp.HCM. Đại diện của Gojek cũng cam kết hỗ trợ đối tác bằng việc thưởng khi hoàn thành lượng đơn hàng trong ngày. Ông Nguyễn Trung Kiên- Giám đốc phát triển cộng đồng đối tác tài xế Gojek cho hay: “ Dịch vụ giao đồ ăn Go Food có được sự ủng hộ của nhiều khách hàng khác nhau và khách hàng quen với việc sử dụng dịch vụ của chúng tôi ví dụ đã quen với việc dùng app Go Food vào buổi trưa. Chúng tôi áp dụng nhiều chính sách khác nhau cho các đối tác tài xế để khuyến khích họ hoạt động thật tốt và thật nhiều hơn trong giờ cao điểm để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”.

Dịch vụ đặt hàng đồ ăn, thức uống là một trong những lĩnh vực đang được thúc đẩy số hóa một cách mạnh mẽ, với mục tiêu ngày càng nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng người dùng. Tuy nhiên trong bối cảnh bão giá như hiện nay, các app giao đồ ăn trực tuyến nên cân nhắc để đảm bảo quyền lợi của các đối tác và cả người dùng.