Sự kiện

Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, Bạc Liêu gồng mình chống dịch

Ngày 3/6, ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Bạc Liêu vừa có báo cáo tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và giải pháp phòng, chống trong thời gian tới.

Theo ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Bạc Liêu, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh này có 249.285 con (chăn nuôi trang trại có khoảng 10%), phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán.

Những ngày qua, các lực lượng chức năng ở tỉnh Bạc Liêu đã rất tích cực phòng, chống DTLCP, nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra tại địa phương này. Cụ thể, ngày 31/5, ổ dịch đầu tiên phát hiện ở hộ ông Phạm Văn Mười, ngụ xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, với tổng số 7 con heo nái, trong đó đã chết 3 con, còn 4 con đang bệnh (nghi DTLCP).

Sau đó, chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với huyện Vĩnh Lợi xác minh bệnh và lấy mẫu gửi chi cục Thú y vùng VII xét nghiệm. Kết quả mẫu lợn gửi xét nghiệm của hộ ông Mười dương tính với vi-rút bệnh DTLCP.

Bên cạnh hộ ông Mười có hộ ông Tiền Văn Út trình báo lợn phát bệnh và chết 3 con trên tổng đàn 93 con (trong đó có 12 con lợn nái, 81 con lợn lứa) với triệu chứng của bệnh DTLCP. Ngay sau đó, cơ quan chức năng huyện tiến hành tiêu hủy toàn bộ 93 con lợn theo quy định.

Cũng trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, hộ ông Nguyễn Văn Tựa có tổng số 89 con lợn (trong đó có 6 con lợn nái, 83 con lợn lứa, lợn con) báo có bệnh, chết nghi bệnh DTLCP. Tiếp nhận thông tin, chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với huyện Vĩnh Lợi xác minh bệnh, lấy mẫu gửi xét nghiệm và kết quả dương tính với virus bệnh DTLCP.

Ngày 2/6, ở trại lợn giống thuộc xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi với tổng đàn là 198 con (trong đó có 58 con lợn nái, 2 con lợn nọc, 138 con lợn tơ và cai sữa) có biểu hiện nghi nhiễm bệnh DTLCP. Sau khi gửi mẫu bệnh phẩm ở trại lợn giống này đi xét nghiệm, cũng cho kết quả dương tính với virus bệnh DTLCP.

Như vậy, tổng số lợn chết, tiêu hủy ở xã Châu Thới, xã Châu Hưng A và xã Long Thạnh của huyện Vĩnh Lợi là 387 con.

Chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi trên tuyến đường thủy tại tỉnh Cà Mau.

Theo ngành chức năng, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan diện rộng là do đặc điểm bệnh DTLCP là bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm, do vi-rút độc lực cao gây ra; hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi-rút có sức đề kháng cao trong môi trường; đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao.

Bên cạnh đó, do việc vận chuyển, mua bán, giết mổ heo từ vùng có dịch sang vùng không có dịch, không kiểm soát được chặt chẽ. Do tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, người dân chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học; chưa xây dựng được vùng cơ sở An toàn dịch bệnh, công tác giám sát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian tới, đối với các huyện thị xã, thành phố (cấp huyện) chưa có dịch cần phải thống kê tổng đàn lợn thực tế tại địa phương để giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, nếu phát hiện lợn nghi mắc bệnh phải lấy mẫu xét nghiệm và xử lý, tiêu hủy kịp thời.

Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan diện rộng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và thành lập các chốt kiểm dịch động vật ở đầu mối giao thông từ các tỉnh lân cận nhập lợn vào địa bàn và từ vùng có dịch bệnh sang;…

Đối với huyện đang có dịch thì ngoài thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cần tập trung xử lý ổ dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi (nếu phát hiện lợn có triệu chứng bệnh DTLCP thì tổ chức tiêu hủy kịp thời). Khoanh vùng dịch, xác định vùng uy hiếp, vùng nguy cơ cao để có giải pháp phòng, chống cụ thể. Thành lập các chốt kiểm dịch ngăn chặn lợn và sản phẩm lợn từ vùng có dịch ra ngoài vùng không có dịch…