Sự kiện

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, tiểu thương bán thịt liêu xiêu

Dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát khiến Việt Nam nằm trên bản đồ đỏ của thế giới. Dù đã thông tin không lây qua người, thế nhưng điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh thịt heo của các tiểu thương.

Diễn biến đáng lo ngại

Theo bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/2 đến 3/3, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Dù bộ Y tế đã đưa ra nhận định dịch không lây từ lợn sang người, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn rất hoang mang, không dám sử dụng thịt lợn.

Xem video: 

Người tiêu dùng e dè

Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, những ngày qua khi thông tin về dịch tả lợn châu Phi được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít người dân đặc biệt là các bà nội trợ tỏ ra e dè, thậm chí dặn lòng không ăn thịt lợn mua ngoài chợ trong thời gian này.

Bà Nguyễn Lâm (nội trợ ở khu vực Nam Từ Liêm) cho biết: “Mấy ngày qua, tôi có theo dõi sát sao tình hình thời sự trên ti vi và thấy dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát. Vì sợ mua phải thịt lợn không rõ nguồn gốc nên tôi quyết định chuyển sang ăn cá, khi nào hết dịch thì tôi sẽ quay sang sử dụng thịt lợn sau”.

Tương tự, chị Hoài Anh (Phú Đô) cũng bày tỏ: “Con trai tôi thích ăn thịt lợn, nên bữa nào không có là sẽ khóc. Nhưng, mấy nay nghe dịch tả lợn nên tôi cũng lo lắng, có chút e dè khi cho con ăn món này. Hoặc có mua thịt thì phải vào siêu thị để mua”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các bà nội trợ đều cho rằng thông tin trên gây nên tâm lý dè chừng sử dụng thịt lợn làm thực phẩm cho cả nhà.

Người tiêu dùng e dè sử dụng thịt lợn ở chợ.

Tiểu thương liêu xiêu

Thông tin về dịch tả lợn cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tiểu thương bán thịt. Chia sẻ với PV, bà Vũ Thị Tuyết (tiểu thương bán thịt tại chợ Kim Mã Thượng, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Từ ngày có dịch, khách mua thịt giảm hẳn. Lượng thịt bán ra chỉ bằng 5, 6 phần ngày thường. Dù thịt bán ra tại các sạp hàng đều là thịt sạch, được các cơ quan chức năng đóng dấu kiểm tra về chất lượng. Tuy nhiên, với tâm lý hoang mang, khách hàng nhiều khi chỉ lướt qua mà không mua. Vì thế, chúng tôi cũng lấy hàng về ít hơn so với trước khi có dịch, lấy như bình thường thì không bán được hết”.

Tiểu thương Nguyệt Nga (Chợ Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thở dài: “Tôi bán thịt lợn tại chợ cũng đã được 10 năm, lần này nghe tin dịch tả lợn Châu Phi, Việt Nam lại nằm trên bản đồ đỏ nên những người bán thịt lợn như chúng tôi đều chung cảnh là ế hàng. Ra chợ tôi mời chào mọi người mua thịt nhưng ai cũng chỉ lắc đầu, thậm chí nói bao giờ hết dịch rồi ăn. Tôi đang tính tạm nghỉ bán hàng vài hôm”.

Tiểu thương Bùi Thị Hương chia sẻ về việc tiêu thụ thịt lợn những ngày này.

Khi được hỏi về kinh nghiệm chọn thịt không nhiễm bệnh bằng mắt thường, bà Bùi Thị Hương (tiểu thương bán thịt 14 năm) chia sẻ : “Mua hàng cần có kiểm dịch rõ ràng, mua hàng những nơi tin tưởng. Khi ra ngoài chợ cần xem và chọn kỹ, móng lợn phải trắng, không có vết gì. Bì con lợn cũng phải trắng, sạch sẽ. Các miếng thịt nạc lúc nào cũng dẻo, dính tay, không chảy nước. Sườn thì không bầm dập, không tím. Lục phủ ngũ tạng thì không bị hư hỏng, bị thối… Người tiêu dùng muốn ra chợ phân biệt là như thế.”

Được biết, để ngăn chặn sự lan rộng và kiểm soát dịch tả, chính quyền và cơ quan chức năng tại các địa phương có dịch đã cấm việc mua bán thịt lợn, các địa phương lân cận đều lập các chốt trên từng phường, xã và mở các lớp tập huấn cho người kinh doanh và tiêu dùng thịt lợn.

Nhóm PV