Đối thoại

Đích đến của chuyển dịch năng lượng trong tương lai

Vấn đề thiếu hụt năng lượng đã là vấn đề của cả thế giới trong nhiều năm trở lại đây, nếu không có phương án đối phó thì sẽ rất nghiêm trọng cho tương lai

Đích đến của chuyển dịch năng lượng

Chia sẻ tại toạ đàm "Hydro Sạch: xu hướng công nghệ và cơ hội đầu tư, ứng dụng tại Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) nhận định, COP26 đã mang lại niềm hy vọng lớn cho chúng ta, rất nhiều quốc gia đã có cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính.

Trong đó, có 45 quốc gia cam kết chuyển đổi đầu tư cho nền nông nghiệp xanh, bền vững, nhiều hãng ô tô cũng tuyên bố chuyển sang sử dụng năng lượng điện thay cho xăng dầu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED)

Mặt khác, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã và đang là chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời là xu hướng phát triển của toàn thế giới, bởi KTTH có thể tác động trực tiếp 11/17 mục tiêu của phát triển bền vững bao gồm cả mục tiêu liên quan tới giảm thiểu, ứng phó với BĐKH.

Ông cho biết, KTTH có thể đóng góp tới 45% cho quá trình giảm thải khí các-bon mà Hội nghị COP26 đề ra, 55% còn lại phải bắt nguồn từ việc chúng ta chuyển đổi sang những dạng năng lượng tái tạo.

Về điều này, TS. Trần Thiện Khánh, ICED nhận định, trong câu chuyện ngăn phát thải các-bon, hydrogen được đề xuất như một loại năng lượng giúp cho công cuộc này được diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, hydrogen được trông chờ như một nguồn năng lượng mà ở đó có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề về các-bon.

Vấn đề thiếu hụt năng lượng đã là vấn đề của cả thế giới trong nhiều năm trở lại đây, nếu không có phương án đối phó thì sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng cho tương lai. Theo ông, con đường để dẫn chúng ta đến sử dụng năng lượng một cách dồi dào hơn, tốt hơn sẽ thông qua việc sản xuất ra nguồn năng lượng mới.

"Đây gần như là con đường duy nhất và hiện nay chưa có phương pháp nào tối ưu hơn để tạo ra hydro sạch. Đồng thời, hydro sạch phải là đích đến của chuyển dịch năng lượng trong tương lai", TS. Trần Thiện Khánh nhấn mạnh.

Bên cạnh năng lượng mặt trời, điện gió, hydro đang là nguồn năng lượng sạch được trông chờ trong tương lai

Trả lời câu hỏi rằng sử dụng hydrogen liệu có nguy hiểm không? Ông Khánh lấy ví dụ về chiếc xe Mirai của Toyota, được sử dụng nguồn năng lượng chính là hydrogen lỏng. Khi chiếc xe tiến hành di chuyển, lập tức có những nguồn oxy từ không khí bên ngoài được dẫn vào trong xe, tạo ra phản ứng oxy hoá khử điện hoá, từ đó tạo ra nguồn năng lượng cho chiếc xe vận hành.

Chính việc bơm hydrogen lỏng vào để vận hành xe, nên thứ mà chiếc xe thải ra môi trường sẽ có dạng hoá học là H2O (nước), trạng thái là hơi nước, không thải ra khói phát thải, đặc biệt thân thiện với môi trường và con người.

Trong tương lai, các hãng xe lớn trên thế giới như Huyndai, Toyota, thậm chí cả Vinfast của Việt Nam cũng đang hướng tới hướng nghiên cứu này, có thể thấy, việc con người có thể tạo ra một lượng hydrogen lớn như một nguồn nhiên liệu mới hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực.

Sự kết hợp của hiện đại và truyền thống

“Đã có rất nhiều nguồn năng lượng bước lên vũ đài thế giới giống như một nguồn năng lượng cho tương lai, nhưng đều không thể tìm được định hướng và phát triển theo đúng tiềm năng của mình”, TS. Khánh chia sẻ.

Rõ ràng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà vấn đề xả thải CO2 đang báo động. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần nhìn thấy sự phối hợp của những nguồn năng lượng sử dụng ra sao.

Hiện tại, ở Việt Nam, cần thấy sự kết nối của nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời cùng với lưới điện quốc gia, thì mới có thể tận dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng năng lượng mặt trời, hay năng lượng gió có thể thay thế hoàn toàn cho mạng lưới điện quốc gia, ông Khánh nhấn mạnh, đây là nhận định không đúng.

Năng lượng mặt trời hay năng lượng gió khó có thể thay thế hoàn toàn cho mạng lưới điện quốc gia 

Hydro có tiềm năng phát triển năng lượng trên đôi cánh của công nghệ và những hỗ trợ của nghiên cứu khoa học, chính sách, kinh tế, tất cả đều có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Chúng ta cần định hướng yếu tố tiên quyết đầu tiên của năng lượng Hydrogen là sự kết hợp với năng lượng điện truyền thống. Trong tinh thần đó, mới có thể áp dụng những kỹ thuật mới, đặc biệt có thể nhắc đến đó là công nghệ điện phân, một trong những công nghệ hướng đến dịch chuyển năng lượng của tương lai.

Điều này có thể được phục vụ cho dân dụng, vấn đề về nguồn điện, cũng có thể ứng dụng kết hợp những công nghệ khác để sử dụng phế phẩm tạo ra hydrogen.

Nói về sự kết hợp với sản xuất năng lượng truyền thống, đại diện Tập đoàn PVN, ông Đặng Thanh Tùng nhận thấy, hydro có rất nhiều ứng dụng, vừa có thể là nguồn năng lượng, nhiên liệu cho hoạt động công nghiệp, vừa góp phần thực hiện mục tiêu về môi trường.

Riêng với vai trò trong quá trình chuyển dịch năng lượng, hydro đóng góp 7 vai trò chính: tích hợp năng lượng tái tạo, vận chuyển, phân phối, tích trữ, cân bằng lưới điện, sử dụng làm nguyên liệu sạch cho các lĩnh vực công nghiệp, giao thông…

Ngành công nghiệp hydro và thị trường hydro toàn cầu được dự báo sẽ phát triển nhanh trong giai đoạn sau năm 2030. Các quốc gia, Tập đoàn lớn trên thế giới đã bắt đầu cuộc đua để giành vị trí dẫn đầu về hydro.

Từ đó, ông cũng cho biết thêm, định hướng của PVN trong giai đoạn 2021-2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 5-10% tổng công suất của Tập đoàn, tuy nhiên, con số này sẽ là 20% ở giai đoạn 15 năm tiếp theo. 

Năng lượng tái tạo sẽ chiếm 20% tổng công suất của Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2031-2045

Qua đó, PVN sẽ nghiên cứu phát triển năng lượng hydro, đồng thời, triển khai đánh giá sơ bộ khả năng đầu tư các dự án hydro từ năng lượng tái tạo. Hiện tại, một số nhà máy của Tập đoàn như Dung Quất, Nghi Sơn cũng đang xây dựng các chương trình nghiên cứu dài hạn của hydro.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm và những thách thức mà PVN nhận thấy trong quá trình này, đại diện PVN cũng bày tỏ, Việt Nam cần có các mục tiêu cắt giảm khí nhà kính tham vọng hơn để hình thành thị trường hydro trong nước.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách thúc đẩy phát triển hydro sạch như thế các-bon, các ưu đãi phát triển cho nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất hydro…