Sự kiện

Chưa phục hồi kinh tế, hàng loạt cửa hàng phố cổ Hà Nội lại tiếp tục đóng cửa, treo biển cho thuê

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều cửa hàng kinh doanh tại khu phố cổ Hà Nội chưa phục hồi được kinh tế lại lâm vào cảnh ế ẩm, sụt giảm doanh thu... khiến phải đóng cửa hay tạm nghỉ kinh doanh chờ dịch mau qua để tái khởi động. Những cửa hàng còn đang trụ lại hầu hết địa điểm kinh doanh tại nhà, không phải thuê cửa hàng.

Nhiều cửa hàng nằm trên các tuyến phố đông đúc như Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Mã, Lương Văn Can,... ngán ngẩm với cảnh đìu hiu, ế ẩm, nhiều cửa hàng không trụ nổi với tiền thuê nhà đắt đỏ đã phải tạm thời đóng cửa, hoặc cho thuê lại mặt bằng.

Các địa điểm vốn là nơi mua sắm tấp nập vào hè như phố kinh doanh quần áo và đồ chơi trẻ em giờ cũng không có khách, sức mua giảm hẳn do "hầu bao" của khách đang thắt chặt mùa dịch bệnh.

Nhiều hộ kinh doanh đã trả địa điểm, biển cho thuê mặt bằng giăng khắp lối.

Để thu hút được người thuê lại cửa hàng, nhiều chủ nhân đã treo tấm biển lớn, tuy nhiên vẫn không thể cho thuê.

Tình cảnh đóng cửa, tạm nghỉ, sang nhượng hay treo biển cho thuê mặt bằng, trả mặt bằng xuất hiện phổ biến tại phố cổ trong những ngày qua. Lượng khách du lịch giảm mạnh hoặc không còn vì dịch covid-19 khiến các cửa hàng kinh doanh gặp khó khăn.

Hơn nữa, việc hạn chế nhập cảnh người nước ngoài khiến lượng khách du lịch giảm sút nghiêm trọng mà những cửa hàng trên phố cổ kinh doanh chủ yếu dựa vào khách du lịch. Trong khi đó, việc đàm phán giảm giá với các chủ cho thuê mặt bằng không  thành công.

Người kinh doanh trả lại cửa hàng vì buôn bán bấp bênh khiến chủ nhà có mặt bằng cũng đang khó khăn trong việc tìm khách thuê. Trước đây, chỉ cần biết có mặt bằng là các hộ kinh doanh đã đến hỏi thuê, thì nay, dù đã treo biển, đăng thông tin trên mạng xã hội nhưng cũng không có người đến hỏi.

Hàng loạt cửa hàng tại phố Hàng Gai đóng cửa, anh Nguyễn Văn Bảo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ “Nhà tôi có ba cửa hàng trên phố Hàng Gai. Dịch bệnh như thế này chúng tôi làm không đủ ăn. Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc tất cả vào hàng quán. Vào thời điềm này của nhưng năm trước, khách du lịch đông, gia đình cũng dư giả, thế nhưng năm nay dịch bệnh kéo dài như thế này ảnh hưởng rất lớn đến các hộ kinh doanh như chúng tôi, cuộc sống khó khăn hơn nhiều".

Chung tình trạng thiệt hại về kinh tế, anh Nguyễn Thái Hùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: "Kinh doanh bao năm nay tại phố Hàng Ngang mà giờ phải đóng cửa cũng không đành, nhưng giờ khách du lịch ít quá doanh thu không đủ trả tiền mặt bằng và thuê nhân viên nên phải dừng thôi. Mặc dù việc đóng cửa sẽ khiến tình hình kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tôi nghĩ đây là hành động cần thiết trong thời điểm này. Vì vậy, tôi sẵn sàng thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, vì cộng đồng chung tay sớm đẩy lùi dịch covid-19”.

Những vị trí đắc địa tại phố Chả Cá đóng cửa im lìm.

Cửa hàng tại phố Hàng Đường nối tiếp nhau treo biển đón khách.

Cửa hàng tại phố Lương Văn Can này thời điểm trước dịch cho thuê hàng chục triệu đồng mà đến nay giảm còn 5 triệu vẫn không có khách dám thuê.

Các cửa hàng đóng cửa trên phố Hàng Lược.

Phố Hàng Khoai.