Tiêu điểm

Địa phương sáng tạo nhưng không được làm trái quy định Trung ương

Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở một số nơi chưa làm đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, gây ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.

Sáng 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay.

Nhiều quy định phiền hà, vướng mắc không cần thiết

Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản trên phạm vi toàn quốc, chúng ta đang từng bước chuyển sang giai đoạn mới.

Ngày 11/10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện quy định này.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận thêm những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh đây là quy định, hướng dẫn tạm thời do việc này chưa có tiền lệ, Thủ tướng cho rằng cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, mở rộng dần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương báo cáo, phản ánh về tình hình sau 1 tuần thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, những điểm còn vướng mắc, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung quy định.

Theo người đứng đầu Chính phủ, vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân. Vì thế, một lần nữa, Thủ tướng quán triệt tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.

Đề cập đến những tồn tại, hạn chế, Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo trong đợt dịch thứ 4, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động. Việc chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống quản lý, năng lực quản lý các cấp.

Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng cho rằng trong ban hành văn bản còn chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhưng khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Khi ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác truyền thông nên khó thực hiện; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội (như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu...).

Trong lãnh đạo, chỉ đạo tại một số nơi, một số cấp còn lúng túng, thiếu quyết liệt, thiếu kiên định, còn chần chừ do bị tác động từ nhiều nguồn thông tin. Đặc biệt, sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, thiếu nhất quán. Có địa phương chấp hành chưa nghiêm các chỉ đạo của Trung ương.

Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ

Trong đợt dịch thứ 4, các địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần các Chỉ thị 15, 16, 19 và lần đầu tiên thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại một số địa bàn với một số biện pháp tương tự như tình trạng khẩn cấp.

Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước.

Phiên họp của Thủ tướng với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay (Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân. Các trụ cột được nhấn mạnh là xét nghiệm, cách ly, điều trị, đồng thời kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công.  

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, trong đợt dịch lần này, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, như trạm y tế lưu động, xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, cách ly F0 tại nhà…

Nhờ nỗ lực trong chống dịch, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm.

So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước có dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vắc-xin, nên phòng chống dịch rất khó khăn. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cho rằng những kết quả này rất đáng trân trọng, góp phần tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.