Kết nối

Địa phương mạnh tay chặn sốt đất ảo, ngăn lây lan toàn thị trường

Bộ Xây dựng, bộ Tài nguyên và Môi trường và hàng loạt địa phương vào cuộc đưa ra cảnh báo để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất hiện nay.

Thời gian qua, giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước đã được các “cò” đất “thổi” giá, gây nên hiện tượng “sốt ảo” đất nền, nhiễu thị trường, ảnh hưởng đến việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội và quá trình triển khai các dự án đầu tư.

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, các địa phương xảy ra hiện tượng “sốt đất ảo” thời gian gần đây, có thể kể đến như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Dương.

Tình trạng "kẹt xe hơi" tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước sau khi có thông tin địa phương xin xây dựng sân bay.

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng giá đất tăng ảo trong thời gian qua được giới chuyên gia chỉ ra là do một số địa phương thực hiện quy hoạch mới, có thay đổi về đơn vị hành chính như hệ thống sân bay, hệ thống giao thông, hay việc chuyển đổi từ huyện thành quận như TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng....

Nhất là việc chuyển dịch nguồn vốn đầu tư của người dân vào bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng do kênh đầu tư gửi ngân hàng giảm lãi suất.

Ngoài ra, với thành tựu nổi bật trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng tạo được hình ảnh đẹp trong suy nghĩ của các nhà đầu tư, du khách quốc tế, trở thành điểm đến an toàn; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, dẫn tới có luồng dịch chuyển các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

Trong khi đó, quỹ đất có thể mở rộng phát triển khu công nghiệp ở các địa phương chưa mở rộng còn nhiều, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ... có thể giúp thị trường bất động sản công nghiệp trở thành “điểm sáng” trong năm 2021.

"Cò" đất dẫn mối tại một dự án bất động sản tại Quảng Trị.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan kể trên, một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến, đó là hiện tượng đầu cơ về đất đai, “cò” đất gây nhiễu thông tin xuất hiện ngày càng nhiều nhằm trục lợi bất chính.

Nhất là ở các khu vực chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng công trình hạ tầng, mở rộng đô thị, các siêu dự án hạ tầng giao thông lớn,... liên tiếp bị “thổi” giá đất lên cao để kiếm lời.

Trước thực trạng “sốt đất ảo” và “thổi giá đất” nêu trên, mới đây, bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương.

Đồng thời, tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,…tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp...

Đối với việc quản lý thị trường giá đất, bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất.

Theo đó, bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.

Trên cơ sở đó, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm những quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất cũng như giá bất động sản nói chung; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về bộ Tài nguyên và Môi trường trước 31/5.

Sau chỉ đạo của 2 bộ nhiều địa phương đã vào cuộc chấn chỉnh tình trạng "sốt đất" trên

Sau chỉ đạo của 2 Bộ, hàng loạt tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Nam... đã đưa ra cảnh báo để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá đất hiện nay.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp để quản lý tình hình bất động sản, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu sở Xây dựng, sở TN&MT, ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai, công an, thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Trong đó, tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.