Tiêu dùng & Dư luận

Địa phương liên kết với nhà bán lẻ thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản nội địa các Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại các tỉnh thành đã tổ chức hội nghị xúc tiến, “bắt tay” với doanh nghiệp bán lẻ để tiêu thụ nông sản.

Tỉnh Lâm Đồng là một trong những tỉnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Nhiều doanh nghiệp tại địa phương như Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Bảo Thi huyện Đạ Huoai sản xuất trái sầu riêng, Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’nàng ở huyện Đam Rông sản xuất chuối Laba, Công ty TNHH Cà phê nguyên chất Thái Châu ở thành phố Đà Lạt, Công ty TNHH Quỳnh Phương ở thành phố Đà Lạt, sản xuất các loại hoa chậu, hoa cắt cành… đều có sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ sản xuất này lại không kết nối được với hệ thống bán lẻ để đưa sản phẩm cung ứng thị trường trong nước. Bởi vậy, nhu cầu đưa nông sản Lâm Đồng lên kệ bán hàng của các nhà phân phối lớn là mong muốn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, đến năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có 300.000ha canh tác, mỗi năm sản xuất 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, gần 300.000 tấn cà phê, 175.000 tấn chè và 250.000 tấn trái cây cùng các loại nông sản khác. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 63.370ha, chiếm 21% diện tích canh tác và 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

Nhiều nông sản địa phương được bày bán tại các siêu thị bán lẻ.

Lâm Đồng đã có 127 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, 115 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia… Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và tập trung, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với 4 nhóm sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê Arabica và Du lịch canh nông. Đến nay, đã có 631 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu này.

Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nông sản của tỉnh vào hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+. Tại hội nghị đã có 15/24 doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất Lâm Đồng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce. 

Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng nhận định, hệ thống bán lẻ WinMart có cửa hàng, siêu thị trải dài trên 63 tỉnh thành. Việc kết nối với WinMart tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng có cơ hội giới thiệu và cung ứng sản phẩm của mình trên thị trường nội địa.

Tương tự, Sở Công Thương Đắk Lắk  cũng tổ chức kết nối cung cầu nông sản của tỉnh vào hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+. Tại hội nghị đã có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Đắk Lắk đã ký ký biển bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm với WinMart/WinMart+.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống toàn quốc WinCommerce cho biết, WinCommerce hiện là nhà bán lẻ lớn nhất cả nước về quy mô với gần 2.800 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+, có mặt tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Hàng Việt Nam luôn chiếm trên 90% số lượng, chủng loại hàng hóa của WinMart/WinMart+, trong đó doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%. 

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa, WinCommerce hiện liên kết với hàng ngàn hộ sản xuất trên cả nước, chủ động làm việc trực tiếp với các hộ sản xuất, hợp tác xã, các doanh nghiệp cung ứng nông sản để có kế hoạch thu mua và bao tiêu sản lượng. Ngoài ra, WinCommece cũng chuyển giao quy trình quản lý chất lượng, quy trình bảo quản hàng hóa, hỗ trợ đầu tư thêm các hệ thống về kho tại các vùng nguyên liệu, các vùng sản xuất trọng tâm trong nước, giúp tạo ra một chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng, thu mua và bán lẻ khép kín. 

Đại diện WinCommerce đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã quy trình 5 bước để đưa được sản phẩm của địa phương vào hệ thống WinMart/WinMart+. Quy trình bao gồm: Duyệt hồ sơ nhà cung cấp; Đàm phán và ký kết hợp đồng; Tạo dữ liệu nhà cung cấp và hàng hóa lên hệ thống của Wincommerce; Đặt hàng và giao hàng; Thanh toán. WinCommerce sẵn sàng tạo điều kiện kết nối tiêu thụ cho sản phẩm các địa phương được kết nối, tiêu thụ tại các cửa hàng, hệ thống bán lẻ của Wincommerce, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương trên toàn quốc.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản chất lượng cao đến người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đang phối hợp với một số địa phương tổ chức chương trình phát triển thương mại gắn với tăng trưởng du lịch, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông sản, mỹ nghệ, đặc sản “tinh hoa hàng Việt”.

Các đơn vị đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước. 

Bộ Công Thương đã ban hành hai chỉ thị là Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Chỉ thị 14 ngày 29/12/2021 về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80% đến 90%. Cụ thể, Co.opmart (chiếm từ 90% đến 93%), Satra (từ 90% đến 95%), Vissan (95%)... Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%, cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu)...

Đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, thời gian tới, Vụ thị trường trong nước sẽ cùng các địa phương kết nối và tổ chức nhiều hơn nữa các buổi đối thoại, hội nghị giữa doanh nghiệp chế biến và sản xuất nông sản với các nhà tiêu thụ lớn có uy tín, nhằm tìm ra những cơ chế tốt nhất, nhanh nhất để nông sản trong nước có được đầu ra vững chắc và thuận lợi.

Ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản

Theo chỉ đạo từ Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại và các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam.

Cùng với đó, phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường mới ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống.

Đồng thời, Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số làm đầu mối chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…

Đặc biệt, làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Sở Công Thương địa phương đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử. Hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hương Anh (tổng hợp)