Tài chính - Ngân hàng

Đi tới đâu khách rồng rắn xếp hàng tới đó, Phúc Long có thực sự đáng giá 75 triệu USD?

Trước khi bán 20% vốn cho Masan, chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng.

Mới đây, Công ty TNHH The Sherpa - thành viên của Tập đoàn Masan (MSN) - đã công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% vốn tại CTCP Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long.

Giá trị của giao dịch này là 15 triệu USD, tương đương với việc Masan định giá chuỗi trà sữa Phúc Long vào khoảng 75 triệu USD (khoảng 1.725 tỷ đồng). 

Trước khi bắt tay với Masan, Phúc Long đã là một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê được giới trẻ ưa chuộng trong những năm gần đây. 

Doanh thu khủng nhưng lợi nhuận bèo bọt

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, Phúc Long Heritage - công ty sở hữu thương hiệu này - mới thành lập cách đây 3 ngày, hoạt động trong lĩnh vực buôn bán trà và cà phê. Công ty có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, trong đó ông Lâm Bội Minh – người sáng lập Phúc Long – sở hữu 94,5% vốn ban đầu và giữ chức tổng giám đốc.

Trước đó, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Phúc Long là Công ty TNHH sản xuất thương mại Phúc Long. Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty được thành lập vào tháng 9/2000, trụ sở chính tại quận 8, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là ông Lâm Bội Minh. 

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là bán buôn thực phẩm, cụ thể là chế biến, mua bán trà, cà phê. Ngoài ra, Phúc Long đăng ký thêm 23 ngành nghề kinh doanh khác, có thể kể đến buôn bán đồ uống; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Phúc Long là thương hiệu trà, cà phê có mặt trên thị trường từ năm 1968 tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Nhưng phải đến năm 2012, thương hiệu này mới gia nhập thị trường F&B, mở chuỗi cửa hàng trà và cà phê Phúc Long.

Bảy năm sau đó, Phúc Long “Bắc tiến” và "gây sốt" với cảnh rồng rắn xếp hàng chờ mua trà sữa, cà phê... tại cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội. Hiện tại, chuỗi F&B này có 82 cửa hàng.

Trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phúc Long luôn được khách hàng ưa chuộng bởi thức uống đậm vị trà

4 năm trở lại đây, Phúc Long ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này thì lại khá bèo bọt.

Năm 2019, chuỗi này thu về tới 779 tỷ đồng doanh thu, tăng đột biến 65% so với 2018 (473 tỷ đồng) và gấp gần 3 lần so với kết quả năm 2016 (270 tỷ đồng). Các năm trước đó, tăng trưởng doanh thu của chuỗi cũng đều ở mức hai chữ số, lần lượt đạt 39% và 25% vào cả năm 2018 và 2017.

Doanh thu cao, song lợi nhuận thuần của Phúc Long chỉ khoảng vài tỷ đồng. Đơn cử năm 2019 chuỗi đồ uống này ghi nhận lợi nhuận thuần 16 tỷ đồng, trước đó năm 2018 là 3,6 tỷ đồng, năm 2018 là 1,8 tỷ đồng và 1 tỷ đồng năm 2016.

Nợ phải trả của Phúc Long cũng tăng qua từng năm. Năm 2016, Phúc Long nợ 113 tỷ đồng, năm 2017 là 139 tỷ, năm 2018 là 228 tỷ đồng và đến năm 2019, nợ phải trả ở con số 294 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của chuỗi cửa hàng trà và cà phê Phúc Long là 367 tỷ đồng.

Điều gì khiến Masan định giá chuỗi trà sữa Phúc Long 75 triệu USD?

Theo chia sẻ của đại diện Masan, hiện nay, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính là 2,3 tỷ đô và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng). 

Với tiềm năng tăng trưởng như vậy, phía Masan nhận thấy chuỗi trà và cà phê có thương hiệu sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Mô hình Kiosk Phúc Long trong cửa hàng VinMart+.

Trước đó, Masan đã thử nghiệm mở 4 ki-ốt Phúc Long trong các cửa hàng VinMart+ tại TP Thủ Đức. Thử nghiệm thành công, dẫn đến việc Masan đặt ra mục tiêu trong 18 - 24 tháng tới mở 1.000 Kiosk Phúc Long.

Với mạng lưới lên tới 2.200 siêu thị Vinmart+, việc mở rộng 1.000 Kiosk Phúc Long trong thời gian tới không có gì là khó. Cùng với đó, mô hình này có thể tận dụng ngay các lợi thế về địa điểm, tệp khách hàng có sẵn... để thúc đẩy doanh thu.

Theo thoả thuận hợp tác, các ki-ốt sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Dựa vào kết quả kinh doanh thí điểm, ban lãnh đạo Masan dự đoán hợp tác này góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống VinMart+ thêm 4% so với hiện tại. Chuỗi bán lẻ F&B được kỳ vọng đóng góp 500 triệu USD doanh thu vào năm 2025.