Tâm sự

Đi tìm sự thật trong vụ án oan Trần Văn Thêm

Được giao viết về vụ án một người 2 lần bị tuyên án tử hình cách đây 45 năm, nay vẫn còn sống, tôi phấn khởi như bắt được vàng...

Gặp nhân chứng sống

Tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Thêm (trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh) vào buổi sáng giá rét. Ông Thêm da mặt đồi mồi, chằng chịt những nếp nhăn thời gian.

Ông kể: “Ngày 23/7/1970, tôi và người em họ N.K.V đi xe thồ đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phú). Chúng tôi ngủ đêm trong một cái lều tre gần Cầu Diện. Đêm khuya, tôi thức giấc để hút thuốc lá. Bất ngờ, tôi  bị đánh trộm một đòn rất mạnh vào đầu. Tôi ôm đầu, kêu to: “Cướp, cướp! Còn em tôi bị kẻ gian đánh vào trán”.

Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, tôi dùng gậy thồ xe đạp đánh chết em họ N.K.V để cướp tiền của nạn nhân. Sau đó, tôi tự gây ra vết thương trên đầu mình.

Qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (TAND tỉnh Vĩnh Phú và  TAND Tối cao tại Hà Nội), tôi bị tuyên án tử hình về 2 tội “Giết người” và “Cướp của”.

Khi bị giam, tôi nghe bạn tù kháo nhau, khi cán bộ trại giam tháo cùm, dẫn ra ngoài có nghĩa là ngày chết của tử tù đã đến. Thế nên, khi quản giáo tháo cùm chân, tôi đã rất lo sợ.

Nhưng rồi, tôi rất ngạc nhiên khi quản giáo bảo tôi cởi bỏ quần áo tù ra và mặc bộ quần áo dân sự mới. Quản giáo nói, đã bắt được hung thủ giết người thật sự và tôi được tha tù.

Tìm hai bản án tử hình

Vốn là dân luật, tôi xác định tài liệu sống còn trong vụ án này chính là 2 bản án hình sự tuyên phạt tử hình ông Trần Văn Thêm về tội “Giết người” và “Cướp của” xảy ra tại huyện Tam Dương năm 1970.

Nay tỉnh Vĩnh Phú tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, PV phải đến TAND của 2 tỉnh này để sao chụp bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, do thời gian quá dài (cách đây 45 năm), nên hồ sơ vụ án giết người nói trên đã bị thất lạc. Còn bản án phúc thẩm ở TAND Tối cao tại Hà Nội cũng không thu thập được.

Không tìm được bản án tại tòa án, tôi nghĩ ngay đến việc người đi tù về địa phương, công an sở tại phải có hồ sơ tư pháp về con người đó. Tôi đến công an tỉnh Bắc Ninh trong tâm trạng rối bời!

Cùng với sự vào cuộc của luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tôi đã có trong tay bản ánh hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội mực bị nhòe, giấy mục nát.

Cầm 2 bản án này, người tôi nóng bừng lên. Dường như nó có một năng lượng kỳ diệu, giúp tôi xua tan đi cái giá lạnh mùa đông. Tôi gọi điện thoại thông báo cho chị Minh Phượng biết thành quả lao động gần một tháng trời. Những lời động viên kịp thời của lãnh đạo tạo cho tôi thêm năng lượng để bước tiếp.

Trò chuyện với người buộc tội, gỡ tội

Tôi và PV ảnh Nguyễn Thành Long tiếp tục “cày xới” 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ để tìm gặp những người có liên quan. Chúng tôi xác định được ông Hoàng Xuân Diệu (hộ khẩu thường trú tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) - nguyên Đội trưởng đội điều tra Công an huyện Tam Dương, là người trực tiếp điều tra vụ án giết người đêm 23/7/1970 tại lều cắt tóc cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phú).

Nhiều lần đến tỉnh Vĩnh Phúc không gặp được ông Diệu, tình cờ vào một buổi tối mưa to xối xả, PV gặp người điều tra viên già này tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Qua ông Diệu, chúng tôi được biêt, năm 1974, ông Diệu cùng ông Cù Văn Tiện - Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phú - lên trại giam Phố Lu (tỉnh Lào Cai) để lấy lời khai tù nhân Phùng Thanh Nhàn. Nhàn khai, dùng búa đánh chết người tại quán cắt tóc cầu Diện đêm 23/7/1970. Hung thủ ném hung khí xuống cống thoát nước cạnh hiện trường.

Ông Cù Văn Tiện trao đổi với PV. Ảnh: Thành Long

Sau khi khai quật tử thi, kết quả giám định cho thấy, dấu vết để lại trên hộp sọ phù hợp với kích cỡ cái búa mà Nhàn gây án. Cơ quan điều tra kết luận: Phùng Thanh Nhàn là thủ phạm giết người.

Chúng tôi tiếp tục đến xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa, Phú Thọ) để gặp cụ Cù Văn Tiện - người được giao nhiệm vụ điều tra lại vụ án Trần Văn Thêm.

Ở tuổi 85, cụ Tiện hom hem, mắt mờ, răng rụng gần hết. Theo lời cụ Tiện, vào thời điểm năm 1973, mặc dù vụ án Trần Văn Thêm đã khép lại, nhưng tử tù Thêm vẫn kêu oan, viết bằng máu lên cả chăn, màn trong trại giam.

Cùng thời gian này, Ban Giám thị trại giam ở Phố Lu có văn bản gửi công an tỉnh Vĩnh Phú, phản ánh việc tù nhân Phùng Thanh Nhàn tâm sự với bạn tù chuyện mình gây ra vụ cướp vào đêm 23/7/1970 ở cầu Diện. Người bạn tù báo lại sự việc cho Ban Giám thị trại giam ở Phố Lu. Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phú liền cử điều tra viên Cù Văn Tiện đi xác minh sự việc này.

Cụ Tiện cho hay: “Nhàn kể rành rọt chuyện đánh chết 2 người ở cầu Diện. Mục đích để lấy chiếc xe đạp thồ. Hung khí là cái búa bổ củi”.

Trước sự chứng kiến của đại diện VKSND, TAND tỉnh Vĩnh Phú, Nhàn diễn lại hành vi phạm tội, cho thấy hắn mới chính là hung thủ giết người. 

Màn đêm buông xuống, chúng tôi đến nhà bà Phùng Thị Sứng (chị gái của Phùng Thanh Nhàn, hiện đang sống tại xã Đồng Tĩnh). Bà Sứng xác nhận có người em tên Nhàn đã dính vào một vụ án giết người ở khu cầu Diện và bị kết án 7 năm tù.  

Sau khi báo ĐS&PL nổ “phát súng đầu tiên” bằng loạt bài điều tra về vụ án oan Trần Văn Thêm, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc, minh oan và bồi thường thiệt hại cho ông Trần Văn Thêm.

Thiên Long