Dân sinh

Đi nước ngoài mang thực phẩm loại nào để tránh bị phạt hay ngồi tù?

Mới đây, một phụ nữ Việt Nam nhập cảnh vào Đài Loan để thăm thân, mang theo 2 chiếc bánh tét nhưng người này lại không khai báo. Sau đó, cơ quan chức năng của Đài Loan ban hành quyết định xử phạt số tiền 200.000 Đài tệ (tương đương 150 triệu đồng).

"Mất" 150 triệu đồng vì 500 quả trứng

Việc người Việt đi nước ngoài bị xử phạt “oan” vì mang theo “quà quê” không phải là hi hữu. Trong số nay, nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay do phải đóng tiền phạt rất lớn.

Vào hồi cuối năm 2018, bà L.T.U., một phụ nữ gốc Việt đã mang gần 500 quả trứng vịt lộn sống, tổng trọng lượng trên 75kg nhập cảnh vào Singapore. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập cảnh, bà U. phải nộp phạt số tiền 7.000 USD (tương đương 150 triệu đồng), vì đã nhập trái phép số trứng nêu trên.

Bởi, theo quy định của Singapore, các thực phẩm tươi sống như trứng không được phép mang vào nước này, do lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Để nhập cảnh và mang theo các thực phẩm này thì phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng Singapore, nếu không sẽ bị xử phạt tới 50.000 USD và có thể bị phạt tù đến 2 năm. Trường hợp tái phạm sẽ bị phạt 100.000 USD và có thể ngồi tù 3 năm.

Khi nhập cảnh vào Úc, nếu không kê khai hoặc kê khai thiếu trên phiếu thông tin, hành khách có thể bị phạt dân sự lên tới 7 tỷ đồng.

Hiện nay, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có hình thức xử phạt rất nặng đối với việc mang thực phẩm hoặc các loại thức ăn chế biến từ thịt động vật, nếu không khai báo và được sự chấp thuận.

Điển hình như khi nhập cảnh vào Úc (Australia), nếu không kê khai hoặc kê khai thiếu trên phiếu thông tin, hành khách có thể bị phạt dân sự lên tới 420.000 USD (tương đương khoảng 7 tỷ đồng). Thậm chí, nếu nặng, hành khách có thể bị bắt giam.

Hay như tại Nhật Bản, hành khách mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, kể cả rau củ quả cũng phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch. Trường hợp các loại thực phẩm đó không qua kiểm định và có giấy chứng nhận sẽ phải chịu phạt lên đến 1 triệu Yên Nhật (tương đương khoảng 200 triệu đồng). Tại Nhật, hành vi mang thực phẩm được cho là nguy hiểm nếu gian lận, thậm chí sẽ phải nhận án phạt ngồi tù tối đa là 3 năm.

Làm gì để tránh bị phạt?

Ông Nguyễn Lân Hoài, hướng dẫn viên tour quốc tế đang làm việc tự do cho biết: “Trước đây, với hành vi mang thực phẩm không khai báo vào Đài Loan thì chỉ bị phạt từ 50.000 Đài tệ (khoảng 38 triệu đồng). Thế nhưng, khi có dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Đài Loan đã tăng mức phạt lên 200.000 Đài tệ cho lần vi phạm đầu tiên, kể từ 18/12/2018. Tương tự, vi phạm lần thứ 2, cũng bị phạt ở mức 500.000 Đài tệ lên mức 1 triệu Đài tệ (tương đường hơn 750 triệu đồng) như hiện nay”.

Mới đây, hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có khuyến cáo đối với hành khách của hãng nhập cảnh vào một số quốc gia như Nhật Bản, Úc, Đài Loan và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác về việc mang theo các loại thực phẩm.

Theo đó, Vietnam Airline đã khuyến cáo hành khách khi nhập cảnh các quốc gia như Nhật Bản, Úc, Đài Loan… cần phải tuân thủ các quy định tránh bị phạt và góp phần ngăn chặn các dịch bệnh lây lan.

Việc kiểm tra đối với thực phẩm cũng kỹ càng không kém gì đối với các loại hàng cấm như ma túy, vũ khí...

Thạc sĩ Nguyễn Chí Thành, trường đại học Công Nghệ TP.HCM cho biết: “Mỗi nước có những quy định khác nhau trong việc kiểm soát dịch bệnh và các loại thực phẩm khác nhau. Do đó, trước khi đi du lịch hay thăm người thân, công tác… và mang thực phẩm, người đi cần phải tham khảo các thông tin về nước sở tại hoặc tham vấn các đơn vị tổ chức chuyến đi để tránh bị phạt tiền hoặc bị phạt tù. Hoặc chí ít là bị phiền toái trong chuyến đi”.

Ông Nguyễn Thành Nghiệp, Tổng Giám đốc một công ty lữ hành quốc tế tại TP.HCM cũng khuyến cáo: “Khách đi du lịch, đặc biệt là đối với người thăm người thân cần phải đề nghị để được các nhân viên bán tour tư vấn kỹ lưỡng, tránh bị phạt tiền, mất thời gian, công sức đã chuẩn bị công phu trước đó. Chúng tôi cũng luôn nhắc nhở nhân viên khi bán tour cho khách phải tư vấn kỹ, tránh để xảy ra tình trạng này”.