Tiêu điểm

Chậm di dời trường đại học khỏi nội đô: Không ai nói gì đến trách nhiệm

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa nêu một loạt lý do về việc di dời các trường đại học ở nội thành ra ngoại thành chậm, từ đó đại biểu cho rằng thời gian tới không thể nóng vội.

Loạt lý do di dời chậm

Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập việc "phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30.000 sinh viên".

Chính phủ chủ trương xây mới 3.500 - 4.500 ha các khu, cụm đại học ở 7 khu vực thuộc huyện ngoại thành Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, quy mô phục vụ 40.000 - 51.000 sinh viên.

Mục tiêu được đề ra là giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành, quỹ đất sau khi di dời trường đại học được sử dụng vào mục đích công cộng, phục vụ đô thị. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có "lác đác" một số cơ sở giáo dục được di dời.

Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đoàn Phú Yên đánh giá, việc di dời các trường đại học ra ngoại thành quá chậm.

“Hiện nay, một số trường đại học di dời ra bên ngoài rất ít, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa rồi mới di dời trụ sở điều hành lên Hoà Lạc qua 20 năm xây dựng. Nhiều trường đại học có dự kiến nhưng đến nay chưa triển khai được”, đại biểu nêu.

Ông Nghĩa cho biết, mục tiêu đầu tiên di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đôlà để bớt ách tắc giao thông, về mật độ người đi lại, đi học, nhất là các bạn trẻ đi lại rất nhiều. Do nhu cầu của đời sống, làm thêm, học thêm.

Trong khi đó, đất của đô thị quá chật cho nên không gian bảo đảm việc dạy và học hạn chế. Chỗ trọ, nơi ở, điều kiện học tập, thực hành không đảm bảo.

“Nhiều trường đại học khuôn viên đẹp nhưng đến nay chia nhà tập thể nên không còn là môi trường văn hoá của nhà trường nữa, nhà dân xen kẽ với ký túc xá với nhà trường tạo không gian lộn xộn, không xứng là trường đại học”, ông Nghĩa bày tỏ.

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa  trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục nêu nguyên nhân cơ bản của việc di dời chậm là các trường ngại đi xa, nhiều trường có việc dịch chuyển ngược từ bên ngoài vào trung tâm như Đại học Luật, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng… và bây giờ là cuộc chuyển ngược ra thì các thầy cô cùng gia đình đã quen sinh sống ổn định ở đây, không gian văn hoá, có những thầy cô đã có tuổi chỉ còn 5,7 năm công tác là nghỉ hưu nên càng chần chừ.

Thêm một nguyên nhân được đại biểu đưa ra đó là có tâm lý của các bạn trẻ là thích về nội thành Hà Nội học.

“Chúng tôi đi nhiều trường đầu tư cơ sở vật chất rất tốt nhưng tuyển sinh rất khó khăn vì đơn giản là không ở các thành phố lớn, các trung tâm. Dường như người trẻ thích về các thành phố lớn, chỗ đông người, có không gian để giao lưu tốt hơn”, ông Nghĩa nói và cho biết cũng có tâm lý nhiều gia đình không muốn cho con đi học xa, đến các đô thị khác.

Bên cạnh đó, chính sách không đồng bộ cho nên nguồn vốn đầu tư cho những chỗ các trường đại học đến còn hạn chế. Ví dụ Đại học Quốc gia với quỹ đất hàng nghìn hecta nhưng đầu tư còn hạn chế, rất nỗ lực nhà trường mới chuyển đi và sẽ rất khó khăn để nhà trường khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất.

Cuối cùng theo đại biểu do kỷ cương chưa nghiêm. “Đi cũng được, chưa chuyển đi cũng không sao, không ai nói gì đến trách nhiệm”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, nhiều đời hiệu trưởng của một trường đại học các thầy cô đã chuẩn bị tinh thần chuyển đi, như Đại học Quốc gia họ đã mua nhà, mua đất ở đó cách đây 20 năm nhưng sau rồi phải bán đi, bán ở thời điểm có khi giá rất rẻ, thầy cô cảm giác thiệt đơn thiệt kép, kế hoạch không đảm bảo, kỷ cương không nghiêm.

Phải rà soát từng điều kiện cụ thể

Từ những nguyên nhân trên, ông Nghĩa cho rằng sắp tới việc di dời các trường này không thể nóng vội, đã chậm phải chắc, phải rà soát lại xem cơ sở vật chất, từng điều kiện cụ thể, xem không gian ở đó phù hợp không. Tránh chuyện ra chủ trương nóng vội rồi đi ào ạt, nơi đến chưa bảo đảm như nhà tái định cư chưa có trong khi cơ sở ở nơi cũ vẫn đang phục vụ giảng dạy tốt, có nơi không ách tắc giao thông lắm, di dời, bỏ sẽ lãng phí nguồn lực.

Ngày 19/5/2022, trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức chuyển trụ sở lên Hòa Lạc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, khi quyết tâm di dời phải xác lập lại kế hoạch, trường nào đi trước, trường nào đi sau, chỗ nào đầy đủ. Bởi, bảo đảm cơ chế cho con em học hành, phải tính đến các sinh viên nghèo bởi vì các em phải đi làm thêm để sống, học tập.

Cùng với đó, cần tuyên truyền, lắng nghe ý kiến của dư luận xã hội, phụ huynh sinh viên nói chung. Khi gia đình các em có khúc mắc thì cần trao đổi, lý giải thấu đáo tạo sự đồng thuận. Sự đồng thuận này mới tạo sự hiệu quả, đến khi chuyển các trường đến nơi mới thì không còn băn khoăn, suy nghĩ.

"Tất cả những việc đó phải tính toán một cách cặn kẽ trong một chiến lược tổng thể chứ không phải hô lên được là được và đổ trách nhiệm cho một ai đó", ông Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng, cái gì thuộc về cơ chế phải tháo gỡ về cơ chế, đến khi xong xuôi, khắc phục rồi thì cá nhân nào không đi, cá nhân nào chủ trì thì lúc đó mới quy trách nhiệm cá nhân được.

Lúc này, cần làm cặn kẽ, kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn và liệu cơm gắp mắm trong điều kiện rất cụ thể về kinh tế, văn hoá, quan tâm đến thế hệ trẻ một cách đầy đủ.

“Tôi tin khi chúng ta có các đô thị đại học, thành phố đại học có không gian thì cha mẹ các em cũng thấy yên tâm, các em cũng thấy phấn khởi vì xứng đáng với người trẻ, với tương lai đất nước chúng ta", ông Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ.

12 cơ sở giáo dục phải di dời là: Đại học Công đoàn, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Răng Hàm Mặt, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng, Viện Đại học Mở Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Cao đẳng Y tế Hà Nội.