Sự kiện

Đi chợ không đeo khẩu trang cũng như lưu thông trên đường không đội mũ bảo hiểm

Lực lượng chức năng khắp nơi trên cả nước tiếp tục thắt chặt công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường.

Cơ quan chức năng xử lý nhiều trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường.

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp, Thủ tướng chính phủ đã ra chỉ đạo, yêu cầu người dân khi ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang. Chính quyền các địa phương đã lập các đơn vị liên tục tuần tra, kiểm tra việc chấp hành quy định đeo khẩu trang của người dân. Quá trình kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều cá nhân chưa tự giác thực hiện hoặc đeo khẩu trang đối phó.

Một trường hợp đeo khẩu trang đối phó (ảnh: Antđ).

Tính đến hết ngày 30/3, tại Hà Nội có hơn 23 người bị lực lượng chức năng phát hiện không đeo khẩu trang khi ra đường. Các trường hợp vi phạm đều được mời về trụ sở CAP để lập biên bản và bị phạt hành chính với số tiền 200.000 đồng. 

Đến ngày 31/3, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, phát hiện và xử phạt thêm nhiều trường hợp không đeo khẩu trang.

Một số lao động phổ thông chưa chấp hành (ảnh: Antđ).

Theo Vietnamnet, trong 2 ngày qua, chỉ riêng tại phường Thọ Quang, TP.Đà Nẵng có 12 người không đeo khẩu trang nơi công cộng, số tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng/người. Trong số đó, có 8 người bị phạt khi đang ở bãi biển thuộc phường Thọ Quang, 4 người đang đi chợ.

Công an Đà Nẵng xử phạt người vi phạm ngoài đường (ảnh: Vietnamnet).

Còn tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh cũng có 11 người dân bị xử phạt không đeo khẩu trang nơi công cộng. những người người vi phạm đều công nhân chế biến sứa tại bến cảng.

Tại thị trấn Gia Lộc (Hải Dương), số người bị xử phạt vì không đeo khẩu trang tại nơi công cộng là 7 người.

Đội CSGT Công an TP Đà Lạt cũng đã mời 10 cá nhân về trụ sở phường để làm việc và xử phạt vì lỗi tương tự.

Xử phạt kết hợp nhắc nhở, khuyến khích người dân (ảnh: Antđ).

Trong thời điểm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khó lường thì những con số này không hề nhỏ. Hiện tại tâm lý người dân vẫn chủ quan, chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang dù chính quyền địa phương cũng như các kênh truyền thông vẫn tuyên truyền hàng ngày hàng giờ. 

Từ trước đến nay, việc đeo khẩu trang luôn là một hành vi tự nguyện, khi chuyển sang một quy định bắt buộc sẽ khó thể thuyết phục người dân ngay lập tức chấp hành.

Tuy nhiên điều này không phải chưa từng xảy ra. Vào năm 2008, nước ta đã áp dụng quy định người dân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Quy định ngay lập tức được người dân đón nhận và hưởng ứng. Dù chế tài xử phạt của lỗi này chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng nhưng quy định vẫn có tính răn đe cao, người dân chấp hành tương đối nghiêm chỉnh.

Thời gian hiện tại công tác kiểm soát dịch bệnh vô cùng cấp bách, chúng ta cần có những chế tài cụ thể để yêu cầu 100% người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Bên cạnh nhắc nhở, xử phạt cần có những biện pháp khuyến khích thậm chí răn đe cứng rắn hơn để đảm bảo việc chấp hành.

Ngoài xử phạt hành chính ta nên suy nghĩ đến việc đánh vào tâm lý của người dân, ví dụ như công khai danh tính những người vi phạm, vừa tăng tính răn đe cá nhân vừa tuyên truyền về các quy định xử phạt đến cộng đồng.

Bá Di (T/h)