Sức khỏe

Đi ăn cỗ, 3 người đàn ông suýt mất mạng vì trong rượu có độc tố

Trong bữa cơm 3 người đàn ông uống vài chén rượu nhỏ ngâm củ thương lục đều bị đau bụng, nôn, đi ngoài, mắt mờ nên được đưa vào viện cấp cứu. 

Theo Vietnamnet vào cuối tháng 4, gia đình ông T.K.P, ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, tổ chức ăn uống cho 11 người ăn. Bữa cỗ gồm 8 món chính: Thịt ngan, thịt gà, thịt lợn, giò lợn, rau ngót, tiết canh ngan, rượu ngâm củ cây thương lục và rượu trắng.
 
Cụ thể trong bữa ăn, có 3 người uống rượu ngâm củ thương lục do gia đình tự trồng và ngâm. Sau khi uống vài chén nhỏ, 3 người đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài, mắt mờ nên được đưa vào viện cấp cứu. May mắn, không ai tử vong.
 
Quả và rễ củ cây thương lục. Nguồn: Sở Y tế Lào Cai.
Trung tâm Y tế Bảo Thắng lấy mẫu thực phẩm, rượu, từ bữa ăn gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Ngày 17/5, Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết kết quả mẫu kiểm nghiệm cho thấy mẫu rượu ngâm củ thương lục và mẫu củ thương lục do đều phát hiện độc tố Phytolaccatoxin.
 
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, thương lục là loại cây thảo sống lâu năm. Cây có chiều cao trung bình khoảng 1,5m. Thân cây hình trụ nhẵn, không có lông, ít phân nhánh có màu xanh lục hoặc pha đỏ tím. Lá to, mọc so le với phiến lá hình trứng tròn, có cuống.
 
Rễ củ thương lục mập, có nét giống củ nhân sâm nên dễ nhầm lẫn. Quả mọng, có màu đỏ tím. Trong Đông y, cây thương lục có thể dùng làm thuốc chữa một số bệnh nhưng phải dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
 
Phytolaccatoxin là chất độc có trong tất cả các bộ phận của cây, khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
 
Để không bị ngộ độc do độc tố tự nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại động, thực vật lạ; không tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc đông y khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc; rượu ngâm (rượu thuốc) không nên uống nhiều.
 
Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm xảy ra, cần lưu giữ và bảo quản toàn bộ thức ăn đã ăn để phục vụ điều tra, tuyệt đối không sử dụng khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng. Bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc cần được đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
 
Mới đây cũng có vụ 3 người ngộ độc rượu sau khi cùng ăn uống, 1 người tử vong.

Thông tin trên Người Lao Động, ngày 9/5, Bệnh viện Quân y 175 (Tp.HCM) cho biết vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân ngộ độc rượu. Trong đó, 1 trường hợp dù được điều trị tích cực nhưng không qua khỏi vì ngộ độc nặng.

Theo lời kể của người nhà, tối 1/5, 3 người đàn ông này tổ chức ăn uống tại gia đình nhân dịp nghỉ lễ. Sau một ngày, cả 3 phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn chức năng đa cơ quan, toan chuyển hóa nặng.

Thiếu tá, BS CK1 Dương Xuân Minh, Khoa Lọc máu - Bệnh viện Quân y 175, cho biết các bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn ói nhiều, rối loạn thị giác. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy họ bị rối loạn chức năng đa cơ quan, toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng trống áp suất thẩm thấu máu...

Kết hợp với yếu tố dịch tễ, bệnh viện nhận định cả 3 người đều có biểu hiện triệu chứng giống nhau nên nghĩ đến nguyên nhân là do ngộ độc methanol. Các bệnh nhân đã được điều trị lọc máu, kiểm soát đường máu, điện giải, vitamin B1 liều cao, acid folic, bổ sung ethanol qua đường tiêu hóa… Tuy nhiên, 1 trường hợp không qua khỏi vì ngộ độc nặng. Riêng 2 trường hợp còn lại tỉnh táo, sinh hoạt được, tình trạng toan chuyển hóa đã trở lại bình thường. Dự kiến, ngày mai 10-5, họ có thể được xuất viện.

Trúc Chi (t/h)