Tài chính - Ngân hàng

ĐHĐCĐ Gelex: Đổi tên công ty, ước lãi trước thuế 2021 đạt 1.285 tỷ đồng

Lãnh đạo Gelex cho biết, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm ước tính đạt 891 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch 1.285 tỷ của cả năm 2021.

Sáng 18/6, tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến, với 200 cổ đông tham dự họp và uỷ quyền. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Tại đại hội, HĐQT lên kế hoạch củng cố, nâng cao năng lực quản trị của từng sub-holdings để tạo nền tảng vững chắc cho quá trình IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng). Việc tiến hành IPO Sub-holdings trên cơ sở vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối đồng thời tạo nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược.

Đại hội đã thông qua việc bầu cử 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Nguyễn Hoa Cương, ông Nguyễn Trọng Tiếu, ông Võ Anh Linh, ông Nguyễn Trọng Hiền, ông Lương Thanh Tùng và ông Đậu Minh Lâm.

7 ứng viên tham gia HĐQT Gelex nhiệm kỳ 2021 – 2026 là những gương mặt quen thuộc.

Đại hội cũng thông qua việc thay đổi tên công ty thành công ty Cổ phần tập đoàn Gelex. Đây là cột mốc đánh dấu chặng đường 5 năm tái cấu trúc, giúp Gelex trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành, hoạt động theo mô hình holdings (đầu tư và quản lý vốn tại các doanh nghiệp/dự án).

Trong năm 2021, Gelex tiếp tục hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh trên hai trụ cột, gồm: sản xuất công nghiệp (sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng) và hạ tầng (bao gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp). 

Đối với khối sản xuất công nghiệp, ban lãnh đạo Gelex cho biết sẽ tiếp tục tận dụng tối đa lợi thế về quy mô, mở rộng thị phần. Đối với khối hạ tầng, bên cạnh việc hoàn thành các dự án điện gió theo kế hoạch, Gelex cũng muốn mở rộng sang mảng bán buôn, phân phối điện khu công nghiệp. Gelex đặt tham vọng nghiên cứu phát triển khoảng 2.700 ha khu công nghiệp, khu công nghiệp cận cảng. 

Gelex cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành tối đa 70,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tương đương tỉ lệ phát hành là 9%). Việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức sẽ được thực hiện sau khi Gelex hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, dự kiến trong quý III, quý IV/2021.

Đại hội đã thông qua thông qua tờ trình cho phép ông Nguyễn Văn Tuấn được mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu GEX mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai.

Thảo luận tại Đại hội:

Lợi nhuận 6 tháng ước đạt 891 tỷ đồng

Uớc đạt kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 như thế nào?

Doanh thu 6 tháng đầu năm dự kiến khoảng 12.230 tỷ đồng, thực hiện 42% kế hoạch. Mảng Electrics đạt 9.092 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch; Mảng hạ tầng 456 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch. Ban lãnh đạo kỳ vọng kết thúc năm 2021 đạt chỉ tiêu doanh thu đề ra. Về lợi nhuận, nửa đầu năm công ty ước đạt 891 tỷ đồng, có phần hợp nhất với Viglacera. 

Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 28.540 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.285 tỷ đồng. 

Dịch Covid-19, giá đồng tăng, thiếu container có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Gelex không?

Trong 6 tháng đầu năm, không chỉ riêng Gelex mà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đều chịu ảnh hưởng do điều kiện của thị trường. Giá nguyên vật liệu tăng gồm cả giá logistics và ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết đã có sự nhìn nhận từ cuối năm 2020. Năm 2021 công ty đã có các hợp đồng dài hơi, việc đứt gãy nguyên vật liệu không xảy ra với Gelex.

Đối với việc tăng giá bán sản phẩm, trong 6 tháng đầu năm nay công ty chưa thực hiện. Tuy nhiên, với tốc độ tăng giá đầu vào như hiện nay, 6 tháng cuối năm Gelex có thể điều chỉnh tăng giá sản phẩm.

Việc điều chỉnh cân đối mức tăng giá để đảm bảo giữ được thị trường, người lao động và lợi nhuận hợp lý. Giá đồng đã tăng 89% cùng với đó là giá thép dùng cho thiết bị điện cũng tăng, điều này ảnh hưởng đến công ty, giá nguyên liệu trong nửa cuối năm còn biến động phức tạp, nhưng Gelex sẽ có giải pháp linh hoạt.

Gelex có ý định tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ của cổ phiếu Nam Long, sẽ tham gia mua với mức giá nào?

Mảng bất động sản là định hướng chiến lược đầu tư dài hạn của Gelex, trong đó có bất động sản thương mại. Công ty đang tìm kiếm các khoản đầu tư, Nam Long cũng là một đối tác, hai bên đang trao đổi ban đầu để tìm hiểu dự án của nhau. Hiện tại, Gelex chưa có quyết định đầu tư vào Nam Long. 

Vì sao kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh so với dự thảo cuối năm 2020?

Kế hoạch lợi nhuận sơ bộ tính đến đánh giá lại khoản hợp nhất Viglacera. Trên cơ sở tư vấn của kiếm toán, công ty đã điều chỉnh lại lợi nhuận đánh giá từ việc hợp nhất công ty này, để đảm bảo không quá đột biến và giữ tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới. 

Kế hoạch IPO các công ty sub-holding của Gelex diễn ra như thế nào? 

Công ty đang lên phương án định giá Gelex Electrics và cũng đang làm việc với Gelex hạ tầng lên phương án hoạt động 2021 - 2025. Sẽ lựa chọn phương án IPO hiệu quả nhất. 

Công suất các dự án tái tạo không ảnh hưởng đến Gelex

Việc quá tải công suất truyền tải điện có ảnh hưởng đến các dự án điện của Gelex không? 

Gelex khi đầu tư đầu tư năng lượng tái tạo đã nghiên cứu kỹ về truyền tải, phụ tải khu vực. Trong 6 tháng đầu năm, dự án tại Ninh Thuận đã vượt 57% doanh thu. Các dự án điện tái tạo không bị ảnh hưởng. Dự án điện gió tại Quảng Trị cũng đã nghiên cứu kỹ truyền tải, kế hoạch hoàn thành trong năm 2021 đủ điều kiện hưởng giá FIT. 

Công suất đầu tư điện tái tạo trong năm 2021 khá lớn, khoảng 5,5 GW, việc quá tải về lưới không vấn đề nhưng việc giảm phát tiêu dùng điện đáng lo ngại hơn. 

Về kế hoạch mua tăng sở hữu tại Viglacera và tái cấu trúc công ty này? 

Việc thoái vốn Nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến triển khai thoái trong năm 2022. Tuy nhiên với những điều kiện hiên tại, việc thoái vốn có thể phải chờ, và bộ Xây dựng đang trình phương án thoái vốn.

Mảng vật liệu xây dựng (kính xây dựng và gạch ốp lát) sẽ được đầu tư thông qua M&A, đồng thời phát triển các khu công nghiệp mới. Việc cấu trúc Viglacera chỉ có thể làm triệt để khi cổ phần Nhà nước được thoái hết tại công ty này. 

Tại sao Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn xin mua vượt quá 35% mà không phải chào mua công khai? 

Việc nâng sở hữu tại Gelex để đầu tư dài hạn. Thủ tục chào mua công khai phức tạp nên xin không phải chào mua công khai. Việc mua bán thông qua hai công ty là chứng khoán Everest và chứng khoán SHS thực hiện sẽ tuân thủ quy định pháp luật.