Hồ sơ doanh nghiệp

Dệt may TCM: Đơn hàng gần đủ đến hết năm, lãi tháng 7 gấp đôi cùng kỳ

Lũy kế 7 tháng 2022, Dệt may Thành Công đạt 6,7 triệu USD, tương đương 157 tỷ đồng. So với mục tiêu đề ra, công ty đã thực hiện được khoảng 62% kế hoạch.

Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) mới công bố doanh thu tháng 7/2022 đạt 17 triệu USD (tương đương 400 tỷ đồng), tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 triệu USD (tương đương 35 tỷ đồng) - gấp 2,24 lần so nền thấp cùng kỳ năm trước.

Quý III năm ngoái là thời điểm căng thẳng dịch bệnh tại khu vực miền Nam, công ty báo lãi giảm sâu tháng 7 và lỗ 2 tháng liên tiếp 8 và 9.

Công ty cho biết, doanh thu tháng 7 đến từ ba mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 78%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 6%. Mặc dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí xăng dầu và chi phí logistic tăng mạnh trong những tháng đầu năm nhưng công ty đã nỗ lực gia tăng năng suất và cắt giảm chi phí.

Lũy kế 7 tháng năm nay, công ty đạt 108,3 triệu USD doanh thu (tương đương 2.545 tỷ đồng), tăng 13% so với cùng kỳ và thực hiện khoảng 61% so với kế hoạch năm 2022; lợi nhuận sau thuế ước 6,7 triệu USD(tương đương 157 tỷ đồng), tăng 17% và thực hiện khoảng 62% so với kế hoạch năm.

Về thị trường, trong 7 tháng, Dệt may Thành Công xuất khẩu sang châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất 63,7%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 29,91%, Nhật Bản chiếm 20,01%; tiếp đến là châu Mỹ chiếm 33,3%, gồm Mỹ chiếm 28,7% và Canada chiếm 4,63%; phần còn lại là châu Âu.

Công ty cũng cho biết, đã nhận đủ đơn hàng cho quý III và nhận khoảng gần 80% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý cuối năm. Ngành dệt may năm nay được dự báo gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn như chi phí nguyên liệu tăng, cước vận tải cao, áp lực lạm phát… những tháng cuối năm.

Dù nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết năm, song áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn.

Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và IV.

Tại Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành dệt may được dự báo nền kinh tế tăng trưởng chậm trong quý III và IV, dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang giảm. Do vậy, đơn hàng trong hai quý cuối năm có thể giảm do tỉ lệ hàng tồn kho của thị trường Mỹ cao.

Xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao liên tục, trong đó giá bông tăng 19,1%, giá cước vận tải cũng tăng cao gấp 3 lần, làm cho chi phí sản xuất trong nước của doanh nghiệp đã tăng hơn 20%.

Hơn nữa, EU - một trong những thị trường tiêu thụ dệt may lớn của doanh nghiệp lại đang chứng kiến đồng euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua. Điều này ảnh hưởng cực kỳ lớn đến doanh thu của các đơn hàng.

Dệt may Thành Công dự kiến chi phí sợi, vải, logistics và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động, chủ yếu với các nhà máy FDI. Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.

Ngoài những khó khăn về áp lực lạm phát, ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, chi phí tăng cao thì nguy cơ tái bùng phát dịch Covid -19 vẫn hiện hữu.

Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.