Đa chiều

Đẹp mà không đẹp

Cái đẹp chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó được đặt vào đúng bối cảnh của nó.

Chắc nhiều người còn nhớ câu chuyện thuở học "vỡ lòng" in trong sách Tiếng Việt mang tựa đề minh triết Đẹp mà không đẹp.

Câu chuyện là đối thoại ngắn của cháu Hùng, em bé vẽ tranh con ngựa lên bức tường trắng và bác Thành người phân tích cái đẹp mà không đẹp của bức tranh cũng như hành động của Hùng.

Câu chuyện giản dị, ngắn gọn, là bài học đầu đời về cái đẹp mà ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trong đời sống. Bài học là thế, nhưng trong cuộc sống thì có nhiều sự việc tương tự, là dẫn chứng sinh động cho chuyện “đẹp mà không đẹp”.

Hồi cuối tháng 4, đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu tại depot Long Bình (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) được phát hiện bị xịt sơn, vẽ bậy tới lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm. Trước đó, ngày 11/6/2022, cũng ở công trình này, hai toa tàu metro số 1 cũng đã bị xịt sơn, vẽ bậy.

Chưa nói tới góc độ mất an toàn, an ninh đô thị, hành vi bôi bẩn toa tàu metro là hành vi vi phạm, có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tàu metro số 1 bị vẽ bậy tại depot Long Bình (Tp.HCM). Ảnh: G.A.

Cụ thể, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với những hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.

Ngoài phạt tiền, hành vi vẽ bậy còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nếu là người nước ngoài thì còn có thể bị trục xuất. Đồng thời, buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục tình trạng ban đầu đối với toa tàu.

Graffiti là một loại hình nghệ thuật đường phố được thừa nhận rộng rãi, tuy vậy, đối với trường hợp vẽ bậy lên các toa tàu metro thì không thể chấp nhận. Những người có hành động xấu này đang nhân danh nghệ thuật để gây mất an toàn, an ninh, vi phạm pháp luật.

Cũng lại là vẽ, không sai phạm gì, nhưng vẫn bị phản đối là câu chuyện diễn ra ở làng bích họa Tam Thanh.

Tháng Tư vừa qua, một số họa sĩ từ Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng được mời tới địa phương để vẽ tranh lên tường nhà của người dân.

Năm nay, làng bích họa Tam Thanh đã được bổ sung 25 bức tranh tường, 60 bức tranh trên chum, 55 bức tranh trên thuyền thúng và 9 tác phẩm điêu khắc. Sau khi hoàn thành, một số bức họa trong số này đã bị người dân phản ứng là “không phù hợp” vì tính “trừu tượng” quá cao, thậm chí còn đòi thay thế bằng bức vẽ khác.

Câu chuyện này được nhiều người nhìn dưới góc độ hài hước khi đặt vấn đề người dân không hiểu được ý nghĩa, giá trị nghệ thuật.

Một bức tranh bị người dân Tam Thanh "chê" là không biết vẽ trâu hay bò.

Nếu nhìn từ góc độ những họa sĩ cất công tới Tam Thanh để vẽ miễn phí thì không sai. Bởi khi người họa sĩ vẽ ra là lúc họ bộc lộ quan điểm nghệ thuật, cảm xúc của bản thân để lan tỏa cái đẹp của mình với đời sống. Thế nhưng, với chính những người dân địa phương lại không cảm nhận được vẻ đẹp ấy, lại là điều nhiều người phải suy ngẫm.

Xung đột giữa nghệ sĩ, tác phẩm với đại chúng là việc diễn ra thường xuyên, lâu đời và thật ra là khá phổ biến. Ở Tam Thanh, người nghệ sĩ không sai khi vẽ ra những linh cảm của mình. Người dân cũng không sai khi nhận xét những tác phẩm ấy là không phù hợp. Nó đơn giản chỉ là sự khác biệt trong nhận thức về văn hóa, thẩm mỹ của nghệ sĩ và đại chúng.

Có nghệ sĩ tỏ ý buồn bã sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân Tam Thanh. Nhưng thay vì buồn, sao không thấu hiểu thẩm mỹ của người bản địa, hay đơn giản hơn là giải thích, thuyết phục, thậm chí là giáo dục thẩm mỹ cho những người dân bình thường về “cái đẹp”?

Bởi sau cùng thì công chúng sẽ là người quyết định cái gì là đẹp và nên tồn tại. Nhưng cũng đôi khi cái đẹp rất kén công chúng- nó đòi hỏi người thưởng thức phải am tường ở mức độ nhất định nào đó.

Nhưng ở góc độ nào, cái đẹp chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó nằm ở đúng bối cảnh của nó.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.