Cộng đồng mạng

Đẹp-Độc –Lạ: Bí ẩn người đàn ông nhặt được viên đá xấu xí trị giá 372 tỷ đồng

Tình cờ nhặt được thỏi đá đen đúa, xấu xí, anh công nhân mỏ không ngờ đấy chính là bảo vật nhân gian.

Vào một ngày bình thường như mọi ngày, anh công nhân mỏ Dunstan tình cờ nhặt được viên đá đen đúa xấu xí có chiều dài 6cm tại thị trấn Coober Pedy trên sa mạc Nam Australia.

Vốn không am hiểu về đá, anh Dunstan vốn chỉ định mang viên đá về nhà để trưng bày thế nhưng mọi thứ đã thay đổi khi anh mang hòn đá đi rửa.

Một khối đá opal có màu sắc lạ mắt được trưng bày tại Australia (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)

Lớp đất đen than được rửa trôi và thay vào đó là ánh cầu vồng tuyệt đẹp. 18 tháng sau, viên đá vô danh đã trở thành vật sở hữu của bảo tàng miền nam nước Úc.

Người Úc đặt cho nó cái tên mĩ miều: "Cầu vồng trinh nữ" với giá trị được định lượng lên tới 16 triệu USD (khoảng 372 tỷ đồng).

Đá Opal (ngọc mắt mèo) Virgin Rainbow với các màu đỏ, vàng, cam, xanh lá, xanh da trời tương phản tạo nên vẻ đẹp rực rỡ.

Opal quý hiếm hơn cả hồng ngọc và kim cương. Ngày xưa, Opal được dùng làm vật liệu trang trí trên các đền đài và cung điện, ngày nay loại đá này được xem như một món hàng trang sức có giá trị cao.

Brian Oldman, Giám đốc bảo tàng tự hào giới thiệu: "Nó có chất lượng không gì sánh bằng và hoàn toàn trong suốt như pha lê. Giống như có ngọn lửa ở bên trong, bạn sẽ thấy tất cả những màu sắc khác nhau. Khi ánh sáng thay đổi, màu sắc viên ngọc cũng biến đổi theo. Đây thực sự là một tạo tác kỳ diệu của nhiên nhiên".

Khoảng 90% đá opal trên thế giới đến từ Nam Úc, nơi từng được bao phủ bởi một vùng biển nội địa qua hàng triệu năm, tạo nên môi trường thuận lợi để hình thành đá.

Đá opal lần đầu tiên được phát hiện tại Coober Pedy, nơi sau đó được coi là thủ phủ đá opal của thế giới, vào năm 1914. Cậu bé Willie Hutchison tìm thấy nó trong một chuyến thám hiểm đào vàng cùng cha.

Theo Tech times, viên ngọc quý thực chất là hóa thạch có màu opal của Belmnitida, một loài nhuyễn thể đã tuyệt chủng, sống vào thời kỳ Đại Trung sinh.

Vào thời điểm này, khủng long cổ dài Plesiosaur, một loài bò sát thời tiền sử, phân bố rộng khắp ở vùng biển nội địa miền Nam nước Úc.

Khi chết đi, xác của chúng chìm xuống đáy biển và dần bị các lớp trầm tích hình thành hàng nghìn năm sau đó chôn vùi sâu hơn.

Vào năm 1946, một người thợ Walter Bartram đã tìm thấy một khối đá opal nguyên bản (chưa bị cắt gọt) có chất lượng cao nhất thế giới tại một thị trấn sa mạc nhỏ ở miền Nam nước Úc.

Viên đá "Ngọn lửa của Australia" được tìm thấy từ năm 1946 tại Nam Australia

Viên đá có khối lượng 998 gram và có giá trị khoảng 1 triệu USD (tương đương 23,1 tỷ đồng).

Sau đó, gia đình Bartram đã đạt được nhiều thành công lớn trong ngành công nghiệp khai thác opal, nhưng khối đá "Ngọn lửa của nước Úc" vẫn được giữ kín cho riêng mình.

Sau 71 năm, anh Alan Bartram - con trai ông Walter quyết định trưng bày viên đá cho cả thế giới chiêm ngưỡng "Khi còn sống, cha tôi không muốn đưa khối đá này ra thị trường bởi nó quá hiếm và quý. Thế nhưng, chúng tôi đã quyết định trưng bày để cả thế giới biết đến sự giàu có của mỏ opal ở Nam Úc".

Xem thêm: [Cuộc sống hiện tại của cô gái nhặt được viên kim cương trị giá 3.320 tỷ]

Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc tuyến bài Đẹp – Độc – Lạ với nhiều nội dung vô cùng hấp dẫn sẽ được xuất bản vào lúc 13h00 chiều hàng ngày trên báo điện tử Người Đưa Tin.

Minh Anh (Nguồn LuxuryLaunches)