Giáo dục

Đến lúc NXBGDVN nên dũng cảm nhận lỗi

Những giải thích về việc đột ngột “biến mất” 2 bộ sách lúc này càng cho thấy sự bao biện, khiến dư luận bức xúc. Điều cần nhất, NXBGDVN nên dũng cảm nhận lỗi.

Dư luận, báo chí đang sôi sục về việc 2 bộ sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam NXBGDVN bỗng nhiên biến mất. Giáo viên và phụ huynh hết sức hoang mang vì không biết năm tới sẽ dạy và học thế nào? Trong khi bộ GD&ĐT chưa chính thức có động thái nào trấn an dư luận. Ngày 10/3/2021, NXBGDVN lần đầu tiên thông tin về việc hợp nhất 4 bộ sách giáo khoa còn 2 bộ. Tuy nhiên, những giải thích của NXBGDVN càng cho thấy sự bao biện của họ và dư luận bức xúc thêm.

Mỗi bộ sách có một triết lý giáo dục riêng?

Năm học 2019 - 2020, NXBGDVN giới thiệu 4 bộ sách cho các địa phương lựa chọn. Để thuyết phục các nhà trường lựa chọn sách của mình, NXBGDVN tuyên bố rằng, mỗi bộ sách của họ có một triết lý riêng. Triết lý giáo dục của mỗi bộ sách gắn liền với các tên gọi của nó, đó là: Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sốngChân trời sáng tạo.

Với phần giới thiệu sách đầy ồn ào và hoành tráng, NXBGDVN tuyên bố tất cả các bản sách của họ được 63 tỉnh thành trên cả nước lựa chọn, có tới gần 70% số trường đã chọn các bộ sách của NXBGDVN trong năm học 2019 - 2020.

Nhìn vào kết quả đó, người dân bước đầu tin vào chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa; chủ trương chống độc quyền trong lĩnh vực biên soạn và in ấn sách giáo khoa, con em của họ có cơ hội được học bộ sách phù hợp nhất với mình.

Thế mà “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, năm học chưa kết thúc, phụ huynh đã biết năm tới bộ sách của con mình đang học sẽ không còn nữa, giáo viên hốt hoảng vì không biết phải tiếp tục thế nào?

Đại diện NXBGDVN, ông Nguyễn Văn Tùng (Phó tổng biên tập) đã chia sẻ trong một bài phát biểu trên truyền hình cho rằng: “Việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa, bởi lẽ, mỗi cuốn sách giáo khoa đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù học theo bộ sách giáo khoa nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu”.

Theo vị Phó tổng biên tập NXBGDVN, việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa.

Ô, theo cách nói của ông Tùng, hóa ra là sách không mất đi, chỉ gộp lại thôi. Vậy gộp lại thì triết lý của các bộ sách thế nào? Tên gọi của bộ sách gộp vẫn là Kết nối tri thức với cuộc sốngChân trời sáng tạo thì có triết lý có thay đổi không? Triết lý của 2 bộ sách đã mất thể hiện thế nào trong 2 bộ sách còn lại? Ông Tùng phát biểu hết sức chủ quan rằng “việc hợp nhất hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc dạy học của giáo viên và học sinh”. Không biết ông dựa vào số liệu điều tra, khảo sát nào mà dám chủ quan tuyên bố như thế?

Có phải là sự tổng hợp tinh túy?

Lãnh đạo NXBGDVN nói rằng: “Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách, phát triển sách giáo khoa”. Nghe hay quá, nhưng nếu thế, tại sao ngay từ đầu, NXBGDVN lại không tập trung toàn lực làm 2 bộ sách thay vì 4 bộ, để rồi sau đó lại phải “gộp lại để tập trung”?

Rõ ràng, việc gộp sách chỉ được tiến hành khi thực tế thị phần của 2 bộ sách bị gộp không như mong đợi. Giả sử, mỗi bộ sách của NXBGDVN chiếm khoảng 20% - 25% thị phần chứ không phải bị bộ sách xã hội hóa áp đảo như năm vừa qua, liệu NXBGDVN có tính đến việc gộp không?

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng: “Việc hợp nhất đã làm cho bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực; làm cho bộ sách Chân trời sáng tạo nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.

Sự “hội tụ” mà ông ta nói thể hiện chỗ nào khi các nhóm tác giả 2 bộ Cùng học để phát triển năng lựcVì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cùng tố họ bị đối xử bất công. Điển hình là tập thể tác giả môn Toán bộ (Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) đồng loạt ký kiến nghị rút tên, rút bài khỏi “bộ sách gộp” vì 6 tác giả (trong đó có cả Chủ biên) chỉ được chọn 6 tiết/175 tiết của cả quyển sách. Nếu như NXBGDVN buộc phải để các tác giả rút tên, rút bài ra khỏi quyển Toán 2 bộ Chân trời sáng tạo theo yêu cầu của họ, thì chẳng cần nói, ai cũng thấy sự tổng hợp “tinh túy” nó thế nào!

Sứ biến mất đột ngột của 2 bộ sách vẫn đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

NXBGDVN cũng quên mất một điều rất quan trọng là, tại sao theo chính thừa nhận của họ, trong 4 bộ sách, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống bị chỉ ra nhiều lỗi nhất (tới 37 trang phải sửa chữa) lại không được đem gộp với bộ khác mà lại được ưu ái làm nền cho bộ khác gộp vào?

Ông Tùng nói: “Trong năm 2020, chúng tôi trân trọng từng ý kiến góp ý của các thầy cô, của phụ huynh, của báo chí, dư luận xã hội… để nâng cao chất lượng sách giáo khoa”. Thế nhưng, việc NXBGDVN hứa hẹn việc sửa chữa các bộ sách đầy “sạn” của mình, đến thời điểm hiện nay, họ chưa công khai và xin ý kiến nhân dân, ý kiến các nhà khoa học, thì không hiểu họ đã trân trọng các ý kiến góp ý ở mức độ nào?

Có phải bộ GD&ĐT đang bao che cho NXBGDVN?

Trong khi dư luận sục sôi, lo ngại về việc năm nay trường chọn sách giáo khoa này, sang năm tỉnh chọn sách giáo khoa khác, làm mất đi tính kế thừa của các bộ sách. Thì PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học (bộ GD&ĐT) - cho rằng: “Bộ đã có quy định cấu trúc bài học trong sách giáo khoa mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, và vận dụng. Các sách giáo khoa đều phải đảm bảo yêu cầu này. Do đó, khi học sách này, sau đó có chuyển sang học sách khác, cũng không gặp khó khăn”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Các sách giáo khoa đều phải đảm bảo yêu cầu, nên khi học sách này, sau đó có chuyển sang học sách khác, cũng không gặp khó khăn”.

Không biết ông Thành nói dựa trên cơ sở nào, khi mà ai cũng biết, mỗi nhóm tác giả có ý tưởng khác nhau trong việc xây dựng bài học. Có khác nhau mới có 5 bộ sách, có khác nhau mới có cơ hội cho các địa phương lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Nếu chuyển từ bộ này sang bộ khác nó cũng cứ giống như nhau thì sao không làm một bộ sách ngay từ đầu cho... thống nhất? Hay ông tính trước hộ cho NXBGDVN sắp tới gộp hết 4 bộ sách thành 1?

Việc bộ GD&ĐT sốt sắng yêu cầu nhóm Cánh diều ngay lập tức trình phương án sửa chữa và xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân nhưng lại làm ngơ cho các bộ sách của NXBGDVN với văn bản xin sửa cũng khiến dư luận có không ít đồn đoán.

Với những lùm xùm hiện nay, chúng tôi cho rằng, bộ GD&ĐT cần có tiếng nói cụ thể, khách quan và công bằng trong vấn đề này để giáo viên, phụ huynh và học sinh yên tâm chuẩn bị cho năm học mới.

Trước đó, dư luận đã không ngừng bức xúc khi bộ GD&ĐT thất bại trong nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng theo Nghị quyết 88, kéo theo nhiều hệ lụy cả về giá thành lẫn chất lượng.

Việc tự ý đưa ra nhiều sách như vậy nên rất dễ độc quyền về giá, cũng giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bộ GD&ĐT đã không thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội, mà “thả nổi” cho thị trường nâng giá, có thể nói đây là xã hội hóa về giá sách giáo khoa thì đúng hơn!.

Đến nay, nếu bộ GD&ĐT tiếp tục “làm ngơ” để từng bộ sách sáp nhập, sẽ dần biến mất sự cạnh tranh và không còn chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa theo tinh thần của Quốc hội.

Về phía NXBGDVN, cũng cần dũng cảm, công khai nhận lỗi và có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.

Bài học “biết nhận lỗi và sửa lỗi” có phải đang làm khó NXBGDVN?

Quang Vinh