Văn hoá

Đêm hội ngộ “ Cảm xúc 30 năm” đồng hành cùng người nhiễm HIV/AIDS

Đêm hội ngộ “Cảm xúc 30 năm” nằm trong chuỗi hoạt động nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS ( 1/12) và hưởng ứng tháng Quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Tối 29/11, câu lạc bộ Bầu Trời Xanh phối hợp đơn vị tài trợ tổ chức chương trình đêm hội ngộ và triển lãm tranh với chủ đề “Cảm xúc 30 năm” đồng hành cùng người bị nhiễm HIV/AIDS tại TP.HCM.

Tham gia hoạt động cộng đồng này, có các văn nghệ sĩ: NSƯT Trịnh Kim Chi, diễn viên Quang Thảo, diễn viên Hồng Ánh….., cùng nhiều anh, chị, em nghệ sĩ khác.

Đêm hội ngộ “Cảm xúc 30 năm” là một đêm triển lãm trưng bày những kỷ vật, những công trình, tài liệu và cả hình ảnh người sống với HIV.

Buổi triển lãm đã giới thiệu đến công chúng 30 vật phẩm, gắn liền với những câu chuyện như: Giấy xét nghiệm, bình sữa, ghế bố, sổ khám bệnh, nồi cơm điện, cặp nhẫn, thẻ bảo hiểm y tế, bông gòn,…..

Các nghệ sĩ, diễn viên tham quan triển lãm tranh tại  đêm hội ngộ "Cảm xúc 30 năm" đồng hành cùng người bị nhiễm HIV. ( Ảnh Trần Thị Hằng).

Đạo diễn Thái Huỳnh cho biết: “Triển lãm này sẽ đánh mạnh vào yếu tố thị giác thông qua nghệ thuật sắp đặt. Do năm nay chọn tông màu chủ đạo là trắng nên các vật phẩm sẽ được trưng bày trên nền trắng. Tâm điểm phần triển lãm là nhật ký 30 năm, được đặt ở vị trí trung tâm của sân khấu”.

Triển lãm tranh trong đêm hội ngộ “Cảm xúc 30 năm” bắt đầu bằng tờ giấy xét nghiệm HIV như là bước ngoặt bắt đầu những biến cố trong cuộc đời người nhiễm HIV và kết thúc là đống thuốc, thể hiện người nhiễm HIV phải uống bao nhiêu đó thuốc suốt đời. 

Đêm hội ngộ “Cảm xúc 30 năm” đồng hành cùng người bị nhiễm HIV/AIDS trong không gian có tất cả mọi người cùng nhau san sẻ những yêu thương, không còn là bác sĩ hay người bệnh, không còn tôi và anh, mà chỉ có chúng ta, không ai một mình và không còn khoảng cách.

Sau 30 năm, những mảng màu u ám, bi quan ban đầu đã được xóa mờ và thay thế vào đó bằng những nỗ lực tích cực hơn. Những biện pháp điều trị, phòng ngừa lây nhiễm đã và đang giúp những người sống với HIV có được cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Từ một cộng đồng bị phân biệt đối xử, dễ bị tổn thương và thiếu thốn những điều kiện sống cơ bản, giờ đây họ đã có công việc ổn định, có cuộc sống gia đình mà không phải ám ảnh với việc lây nhiễm cho người thân của mình.

Năm 2020 đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện. Đó là hành trình không chỉ riêng của những người sống với HIV mà còn với rất nhiều đoàn thể, ban ngành và cả những tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng họ trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.

Anh Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM chia sẻ thêm: “Hiện giờ, tôi nhận được rất nhiều tài liệu, sản phẩm của đội nhóm, viết hoặc dịch sách ở thập niên 1995 – 2000 về phòng chống AIDS. Với nhiều người nó không có giá trị nhưng với những người trong cộng đồng, nó là cả một gia tài họ gửi về để trưng bày”.

Chiến dịch đồng hành “Cảm xúc 30 năm” cùng với người bị nhiễm HIV/AIDS với mục đích nhìn lại quãng đường đồng hành bước tiếp đến tương lai với mục tiêu “Chấm dứt đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030.

Đích đến mà tất cả mọi người đều mong đợi những năm qua.