Góc nhìn luật gia

“Đề xuất xây dựng khu tâm linh Hương Sơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật”

“Dưới góc nhìn luật Đầu tư và luật Đấu thầu, đề xuất xây dựng khu tâm linh Hương Sơn còn thiếu tính khả thi, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý di sản, nên việc được chấp thuận thông qua là rất khó”, luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.

Về vấn đề pháp lý xoay quanh việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất cải tạo khu du lịch tâm linh Hương Sơn, luật sư Trương Thanh Tú, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã nhận định như trên. Bởi vậy, ông cho rằng, đề xuất khó được chấp thuận.

Dự án phải do Thủ tướng phê duyệt

Thưa luật sư, đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường về dự án Khu du lịch tâm linh ở chùa Hương với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng sẽ được giải quyết như thế nào?

Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn ở khu vực chùa Hương với phạm vi hơn 1.500 ha, tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của luật Đầu tư công thì dự án nằm ở khu vực có Di tích quốc gia đặc biệt thuộc dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và nếu nguồn vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng thì dự án là dự án quan trọng quốc gia phải do Quốc hội quyết định.

Luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Theo Điều 23 luật Đầu tư công, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thì trước đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội có trách nhiệm: Giao cơ quan chuyên môn xem xét, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Thành lập Hội đồng thẩm định do một Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là Thường trực Hội đồng thẩm định và các sở, ban, ngành liên quan là thành viên để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Chỉ đạo cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tính khả thi theo quy định báo cáo UBND TP.; trình Hội đồng nhân dân TP. cho ý kiến trước khi UBND TP. trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc giao cho một cơ quan chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trên cơ sở đề xuất của bộ KH&ĐT.

Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng: Vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…

Ý kiến thẩm định được bộ KH&ĐT gửi Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này. Hội đồng thẩm định liên ngành hoặc cơ quan chủ trì thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này gửi ý kiến thẩm định để bộ, ngành và địa phương hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện.

Nhìn chung dự án này mới ở giai đoạn đề xuất nên sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Dự án này triển khai ở nơi có di tích Quốc gia đặc biệt, vậy việc quản lý đầu tư sẽ được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại luật Di sản văn hoá 28/2001/QH10 và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa thì các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:

- Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng;

- Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch UBDN cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng bộ Văn hoá - Thể Thao & Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng bộ VHTT&DL.

Theo Điều 4 luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa thì trong bản báo cáo tóm tắt dự án, doanh nghiệp đã thể hiện việc chưa nhận thức sâu sắc quy định của pháp luật về quản lý di sản. Cụ thể, ngay trong bản thuyết minh đã thể hiện những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa được quy định tại khoản 1 của Điều này. Những hành vi làm sai lệch di tích gồm:

- Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích.

Phối cảnh Tháp Xá Lỵ cao 100m của Xuân Trường.

- Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.

Mặt khác, theo báo cáo thuyết minh dự án, doanh nghiệp đề xuất xây dựng hàng loạt công trình với quy mô xây dựng lớn như tháp cao 100m, nhiều chùa mới, các khu nhà hàng, khách sạn, bảo tàng. Những đề xuất trên có quy mô rất lớn, triển khai ngay trong phạm vi khu vực bảo vệ I và II với di tích quốc gia đặc biệt quy định tại khoản 13, Điều 1 luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa.

Với di tích quốc gia đặc biệt, việc đầu tư xây dựng bất kỳ một hạng mục nào đều phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và được sự đồng ý của Bộ trưởng bộ VHTT&DL.

“Bởi vậy doanh nghiệp đề xuất làm siêu dự án triển khai xây dựng nhiều ở phạm vi khu vực bảo vệ I và II với di tích quốc gia đặc biệt và lại làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích chùa Hương thì không thể chấp nhận. Cho nên, nếu không chỉnh sửa, điều chỉnh, tôi nghĩ đề xuất trên rất khó được UBND TP.Hà Nội cũng như Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”, ông Tú nhấn mạnh.

Phải đấu thầu công khai dự án

Doanh nghiệp đề nghị Nhà nước bỏ toàn bộ ngân sách giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng bàn giao cho doanh nghiệp để doanh nghiệp xây dựng các hạng mục tâm linh, dịch vụ để khai thác, kinh doanh thì có đúng quy định của pháp luật không?

Theo Điều 22, luật Đấu thầu thì chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

    a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề…

    b) Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;

    c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;

     d) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;

     đ) Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;

    e) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Theo đó thì với dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn, doanh nghiệp Xuân Trường không thuộc đối tượng được chỉ định thầu, phải thông qua đấu thầu công khai, rộng rãi.

PV: Nhìn ở góc độ quy hoạch, đề xuất dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn có đúng quy định về luật Đầu tư không, thưa ông?

Luật sư Tú: Điều 16 luật Đầu tư công quy định các hành vi bị cấm trong đầu tư công trong đó có Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không cân đối được nguồn vốn đầu tư.

Phối cảnh hệ thống nhà hàng theo đề xuất dự án của Xuân Trường.

Ở đề xuất dự án này, theo thông tin báo chí phản ánh, Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phần phụ lục của quyết định này khi xác định danh mục các địa điểm tiềm năng phát triên các khu du lịch quốc gia, địa bàn Hà Nam mặc dù có các khu du lịch Tam Chúc, Ninh Bình có khu du lịch Tràng An nhưng tại TP. Hà Nội, Thủ tướng không quy hoạch Hương Sơn thành Khu du lịch tâm linh mà chỉ có Khu du lịch Ba Vì –Suối Hai và Khu du lịch làng văn hóa các dân tộc Việt Nam được nằm trong quy hoạch.

Như vậy, việc đề xuất thêm Khu du lịch Hương Sơn (chùa Hương) có thể nói là không nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt nên tôi nghĩ dự án sẽ khó được chấp thuận.

Đó là chưa kể trong khu vực 1.500ha doanh nghiệp này đề xuất còn chồng lấn vào một số dự án các doanh nghiệp khác đang triển khai thì luật cũng không cho phép đầu tư chồng chéo như vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!