Tiêu dùng & Dư luận

Đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại di động: Cần phân loại theo từng mức giá

TS Bùi Quang Tín cho rằng, nếu lập dự thảo để thực hiện đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động, TP.HCM phải phân loại mức thuế cụ thể đối với từng phân khúc, những dòng điện thoại bình dân, từ 1 – 5 triệu thì không nên thu thuế.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá rằng, mỗi khi cơ quan Nhà nước đề xuất tất nhiên phải có lý do của họ.

“Theo lý thuyết, thuế tiêu thụ đặc biệt tức là đối với những mặt hàng người dân tiêu thụ có thể đặc biệt ở nhiều góc độ. Ví dụ như rượu bia, nếu sử dụng quá nhiều sẽ tổn hại sức khỏe, gây ra hành vi không tốt nên cần phải hạn chế. Còn đối với điện thoại, nước hoa,... có thể TP.HCM có số liệu cho thấy sự bất thường nên cần nghiên cứu để đưa ra đề xuất. Mỗi người 1, 2 chiếc điện thoại thì bình thường nhưng có người sở hữu 5, 6 điện thoại chẳng hạn. Từ đó, Nhà nước có thể nghiên cứu để áp dụng thu thuế nhằm hạn chế sự phí phạm”, ông Tín nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cũng nhấn mạnh, nếu lập dự thảo để thực hiện đề xuất này, TP.HCM phải phân loại mức thuế cụ thể đối với từng phân khúc điện thoại. Những dòng điện thoại bình dân, từ 1 – 5 triệu thì không nên thu thuế. Còn các dòng điện thoại cao cấp, trên 10 triệu thì có thể chịu một mức thuế cố định. Đồng thời, việc thu thuế này còn đánh vào chủ thể sở hữu tài sản có giá trị, những đối tượng có thu nhập cao.

Luật sư Bùi Quang Tín cho hay, bản chất của thuế là điều tiết thu nhập trong xã hội, tạo ra công bằng. Người giàu sẽ bị thu thuế nhiều hơn nhằm bổ sung cho người nghèo. Vì thế, sự phản ứng của dư luận sẽ là một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế xã hội.

Cũng có ý kiến lo ngại rằng, những dòng điện thoại đắt tiền thường là sản phẩm từ nước ngoài, liệu việc thu thuế của TP.HCM có tạo nên bất đồng với chính sách thương mại mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế hay không.

“Điều này cần phải nghiên cứu thêm, cần xem lại các thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và quốc tế một cách thận trọng. Nhưng theo tôi, cũng không đến mức Việt Nam cam kết hạn chế quyền của mình trong chính sách thuế”, ông Tín bày tỏ.

Còn luật sư Trương Thanh Đức, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, đề xuất này hoàn toàn vô lý, thiếu căn cứ để thực hiện. "Thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà Nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Đối với điện thoại di động, 30 năm trước là mặt hàng xa xỉ nhưng vẫn không bị đánh thuế. Hiện nay, điện thoại đã trở thành vật dụng thông dụng, quen thuộc thì áp thuế là không hợp lý", ông Đức bày tỏ.

Chuyên gia pháp lý còn chỉ ra, nếu nhằm mục đích điều tiết thu nhập của các tầng lớp lao động trong xã hội thì đó là lĩnh vực của thuế thu nhập cá nhân. 

Việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động cần được lắng nghe phản ứng từ người dân.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đại lý Thuế TP.HCM cho biết: "Hiện nay, điện thoại di động gần như rất phổ biến, tất cả mọi người đều sử dụng điện thoại, đặc biệt việc thanh toán đều sử dụng điện thoại. Vì vậy, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên điện thoại di động có thể sẽ không có tác dụng điều tiết thu nhập mà làm cho thu nhập của toàn bộ người dân đều bị ảnh hưởng".

 

Mới đây, UBND TP HCM vừa gửi bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước". Về thuế tiêu thụ đặc biệt, địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Thừa nhận điện thoại di động không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp nhưng UBND TP.HCM cho rằng, đây cũng không thuộc diện "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Bên cạnh đó, tuy điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Theo UBND TP.HCM, hiện Việt Nam có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. So với thông lệ quốc tế (thường từ 4 đến 8 nhóm), số lượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng như vậy theo thành phố là quá nhiều. Tuy vậy, cơ quan này cũng nhấn mạnh thêm, khi thu hẹp đối tượng không chịu thuế, cần sử dụng công cụ khác để thực hiện chính sách xã hội và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.