Sự kiện

Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc: Điều chỉnh vào phút chót của bộ LĐ-TB&XH

Sau gần 20 ngày công bố Tờ trình dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, bộ LĐ-TB&XH đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về 6 nội dung lớn, nổi bật là đề xuất thay đổi giờ làm việc trên cả nước. Sáng 17/5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký văn bản điều chỉnh một số nội dung về đề xuất này.

Liên quan dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), bộ LĐ-TB&XH đề xuất thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương, dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.

Báo Người Đưa Tin đã có loạt bài về nội dung này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận như:

“Quan điểm đối lập về đề xuất thống nhất giờ làm, nghỉ trưa 1 giờ đồng hồ”;

“Sẽ ra sao nếu công chức, viên chức chỉ có 60 phút để nghỉ trưa?”;

“Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc: Nên hay không?”.

Cũng qua khảo sát, báo Người Đưa Tin nhận được ý kiến đồng tình cao nhất là 54.55% về quan điểm “Mỗi vùng miền, tỉnh thành, thời tiết quy định theo giờ riêng phù hợp”, 22.73% đồng tình về ý kiến “Thống nhất toàn quốc từ 7h giống học sinh để bố mẹ tiện đưa đón”, 11.36% đồng tình về ý kiến “Thống nhất toàn quốc từ 8h30 để tránh tắc đường với học sinh, sinh viên”.



Đề xuất thay đổi giờ làm nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trong đó, hàng loạt quan điểm được đưa ra, trong bài “Quan điểm đối lập về đề xuất thống nhất giờ làm, nghỉ trưa 1 giờ đồng hồ”, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) bày tỏ: “Giấc ngủ trưa rất quan trọng, ngủ trưa giúp buổi chiều năng suất làm việc hiệu quả hơn. Dưới 1 giờ đồng hồ để ngủ là không đủ, vì thói quen không ngủ trưa phải tập rất lâu.

Còn cán bộ công nhân viên chức làm giờ hành chính mà chỉ nghỉ 1 giờ cộng cả ăn uống thì không đủ. Bởi, ăn uống cũng hết 20 phút, chưa kể ăn xong còn chuyện trò… Như vậy năng suất buổi chiều sẽ yếu, dễ sai sót. Một giấc ngủ trưa hiệu quả phải từ 45 phút đến 1 giờ”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Không nên quy định toàn bộ các nơi đều làm việc 8h hoặc 8h30, các địa phương có thể chọn một trong hai khung giờ này. Thậm chí, ngay trong một địa phương cũng có thể cho phép một số cơ quan bắt đầu từ 8h, một số cơ quan bắt đầu từ 8h30. Vì thế, tôi đề nghị quy định chung nhưng cũng cần có đặc thù riêng, đừng áp đặt một cách đồng loạt, đành rằng áp dụng đồng loạt thì dễ quản lý”.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin báo chí thường kỳ của bộ Nội vụ ngày 10/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bộ có ý kiến như nào về đề xuất điều chỉnh giờ làm của bộ LĐTB&XH, ông Nguyễn Quang Dũng - Vụ trưởng vụ Tiền lương (bộ Nội vụ) cho biết, quan điểm của bộ Nội vụ là đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, không thay đổi. Bởi trong Bộ luật Lao động đã quy định rõ quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.

“Giờ làm việc của cơ quan hành chính phải thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan hành chính. Hơn nữa Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Vì vậy nên thực hiện theo quy định hiện hành là hợp lý”, ông Dũng nêu.

Trước những sự góp ý và đóng góp của dư luận, bộ, ngành, tới sát ngày trình các đại biểu Quốc hội cho ý kiến chính thức, hôm nay 17/5, bộ LĐ-TB&XH đã có điều chỉnh về đề xuất liên quan tới giờ làm việc trong cả nước trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7 tới đây.

Cụ thể, phương án 1 trong phiên bản mới về dự thảo Tờ trình đã được sửa lại như sau: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.

Đối với cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Đối với cơ quan Nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.

Sự điều chỉnh về đề xuất giờ làm được nhận xét là có tính linh hoạt hơn.

Trước đó, phương án 1 trong phiên bản cũ của dự thảo Tờ trình được công bố hôm 28/4 có nêu: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.

Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Ngoài ra, phiên bản mới dự thảo Tờ trình vẫn giữa nguyên phương án 2 như ở phiên bản cũ được công bố vào hôm 28/4: “Giữ nguyên quy định giờ làm việc như hiện hành. Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết)”.

Trước thay đổi này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh nhận định: “Giờ làm cần phải thay đổi linh hoạt, đừng cứng nhắc. Việc ban soạn thảo bộ LĐTB&XH tiếp thu ý kiến của dư luận và chỉnh sửa là điều đáng hoan nghênh, tôi nhận thấy đề xuất giờ làm việc đã được điều chỉnh có tính linh hoạt hơn”.