Chính sách

Đề xuất tăng lương tối lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7

Đây được cho là quyết định cần thiết, phù hợp sau 2 năm liên tiếp không tăng lương cho người lao động.

Sáng nay (12-4), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 để tiếp tục thảo luận về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Các bên tham gia gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trước thực tế, 2 năm không tăng lương tối thiểu vùng và đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 diễn ra. Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và đã tiến hành thảo luận, thương lượng để tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở doanh nghiệp.

Sau một buổi sáng thảo luận với nhiều ý kiến và phương án khác nhau, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn phương án thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 để trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Kết quả, 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7/2022 và 2/17 thành viên đồng ý thời gian tăng từ 1/1/2023.

Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng.

Trước đó, mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Tổng liên đoàn Lao động nhận định đời sống của người lao động sau đại dịch tiếp tục khó khăn, một bộ phận khó khăn gay gắt, không thể trở lại doanh nghiệp hoặc lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trong bối cảnh đó, cả trách nhiệm pháp lý và đạo lý, các doanh nghiệp rất cần bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động.

Thực tế các quốc gia và nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, là tiền đề gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hai năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

"Tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận người đang rất khốn khó.

Sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn", ông Hiểu bày tỏ.