Môi trường

Đề xuất phạt nguội hành vi xả rác bừa bãi: Thời điểm hiện tại là quá muộn

Liên quan đến việc đề xuất phạt nguội việc đổ trộm rác thải của sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng việc làm này rất cần thiết, thời điểm hiện tại thực hiện là quá muộn. Và cần sửa đổi điều luật để phù hợp hơn.

Mới đây, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh (sở TN&MT) - Nguyễn Thị Thanh Mỹ mới có văn bản gửi UBND TP.HCM, kiến nghị cho phép sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.

Qua đó, sở TN&MT họp thống nhất ý kiến với sở Tư pháp và Công an TP.HCM, 3 bên nhận định hành vi xả rác, phóng uế xảy ra nhanh, tức thời, khó bắt quả tang nên cần cơ chế "phạt nguội" thông qua camera.

Các đơn vị cũng thống nhất chỉ có lực lượng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, cảnh sát môi trường mới được sử dụng hình ảnh trích xuất từ 26.000 camera đã lắp đặt trong thành phố để xử phạt.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh đề xuất vấn đề này.

Với đề xuất này đang nhận được nhiều tranh luận của người dân ở các địa phương, một số ý kiến cho rằng, đây là việc làm cần thiết, nhưng để đến bây giờ mới thực hiện là quá chậm. Và đề xuất này cần được nhân rộng ra các tỉnh, chứ không chỉ ở trong thành phố Hồ Chí Minh để chấm dứt tình trạng đổ trộm rác thải, làm ảnh hưởng đến môi trường, làm mất mỹ quan đô thị.

Rất cần thiết nhưng quá chậm

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin về vấn đề này, TS vật lý Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá, chuyên gia môi trường) nhận định, việc đề xuất này, rất tốt nhưng so với thời điểm hiện tại là quá muộn. Bởi so với trình độ khoa học công nghệ từ năm 1995, bằng camera quan sát, đã có thể xử lý những hành vi phạm pháp, hành vi tiêu cực của xã hội rồi.

Từ nhiều năm trước, việc lắp camera ở các tuyến đường để phạt những lỗi mất an toàn giao thông, mà tại sao lại không đồng thời cùng lúc thực hiện luôn việc giám sát những hành vi đổ trộm thải, đồ rác bừa bãi nơi công cộng.

"Đáng lẽ việc này phải được thực hiện từ lâu, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ các nhà chức trách chưa quyết liệt, hay còn gọi cách khác là “ngại làm”, đến thời điểm không thể không làm mới đưa ra quyết định là quá muộn.

Nhìn vào tấm gương quốc gia gần chúng ta nhất là Singapore, chỉ cần vứt một cọng rác xuống đường đã bị phạt tiền rất nặng.

Hoặc như nước Ba Lan, chỉ cần người dân hút thuốc lá tại đường tàu, thì đã thấy công an ra xử phạt ngay tức khắc", ông Khải phân tích.

Chuyên gia môi trường Khải "Ozon".

Theo ông Khải, nhìn chung, việc sử dụng hình thức phạt nguội các hành vi đổ trộm rác thải, đổ trộm rác ra nơi công cộng bằng camera giám sát cần phải được nhân rộng, phát động toàn dân hưởng ứng.

Đặc biệt, khuyến khích tinh thần người dân tố giác tội phạm, những hành vi đổ trộm rác thải ngang nhiên ra nơi công cộng, để cơ quan chức năng có thể xử lý nghiêm.

Cần sửa đổi luật cho phù hợp

Liên quan đến vấn đề pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm, trên thực tế hành vi xả thải, đổ trộm rác thải diễn ra hàng ngày, phổ biến thành một thói quen của rất nhiều cá nhân. Các cá nhân này cảm nhận được sự tiện lợi khi không phải chờ đợi, hay mang rác thải đến đúng nơi quy định. Trên hết là họ nhận thấy rằng làm sai như vậy cũng không bị phát hiện và không bị xử lý.

“Cơ quan chức năng với lực lượng mỏng nên rất khó phát hiện được các trường hợp sai phạm. Do vậy rất cần được sự hỗ trợ của các camera giao thông, camera giám sát hiện có của cơ quan chức năng, người dân và tổ chức.

Đây là một đề xuất rất tốt cần được nhanh chóng áp dụng rộng khắp tại các thành phố lớn. Sau khi rút kinh nghiệm thì nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước”, Luật sư Lực nêu ý kiến.

Luật sư Quách Thành Lực.

Ngoài ra, luật sư Lực phân tích thêm, việc duy trì phương thức phát hiện xử lý thông qua hình thức này thường xuyên chỉ chạy theo phong trào, được một thời gian rồi mọi việc rơi vào quên lãng.

Để triển khai được phương thức phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm thông qua camera giao thông, camera giám sát chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn từ sự chưa đầy đủ, đồng bộ, hoàn thiện của quy định pháp luật.

Luật Xử lý vi phạm hành chính tại điểm d, khoản 2 điều 64 quy định phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính "phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định".

Theo khoản 3 điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BCA của bộ Công an, phương tiện thông tin liên lạc bao gồm: máy bộ đàm, máy điện thoại, máy fax, máy tính truyền dữ liệu.

Do vậy cần phải chỉnh sửa Luật, văn bản dưới luật cho phù hợp, đảm bảo cho hoạt động giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trong việc đổ trộm rác thải, xả thải đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật.

Thêm nữa hiện nay thời hạn để ban hành quyết định xử phạt chỉ từ 7 đến 30 ngày kể từ ngày lập biên bản cũng là một điểm nghẽn. Sẽ rất nhiều hành vi bị phát hiện những thiếu con người, thời gian để xử lý.

Ngoài ra còn trường hợp cơ quan xử phạt không để cưỡng chế các trường hợp vi phạm để nộp phạt.

Để áp dụng được phương án này sẽ đặt ra nhiều đòi hỏi, thách thức liên quan đến sự phối hợp đồng bộ, thống nhất từ nhiều cơ quan có thẩm quyền.

Tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015 quy định "Tội gây ô nhiễm môi trường" có thể phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và mức phạt tù từ 1-5 năm.
Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại vi phạm điều này bị phạt tiền từ 1-10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp đổ trộm rác thải phải có biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng môi trường như ban đầu.