Đề xuất nghỉ ngày Gia đình VN: Cần nghỉ để... nghĩ về tổ ấm?

Liệu một người lao động luôn hướng trái tim về gia đình và những người thân yêu có muốn được nghỉ thêm một ngày trong năm chỉ để suy nghĩ về các giá trị của gia đình?

Kính gửi bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc sở VH&TT Nghệ An!

Tôi đoán rằng bà đang đọc lá thư này trong tâm trạng vô cùng ngạc nhiên. Bởi hai chúng ta là hai người xa lạ, chưa từng một lần đi lướt qua nhau.

Tôi chỉ biết đến bà sau khi đề xuất tăng thêm 1 ngày nghỉ trong năm được bà đưa ra tại cuộc làm việc với đoàn giám sát Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (theo báo Nghệ An). Ngày nghỉ được đề xuất là ngày 28/6 bởi theo bà lâu nay, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 chưa thực sự trở thành ngày hội của các gia đình, dòng tộc.

Trước tiên, tôi hoàn toàn đồng ý với những lập luận của bà tại buổi làm việc, rằng gia đình là hạt nhân của xã hội và nhiều giá trị gia đình đang đứng trước nguy cơ phai nhạt trong bối cảnh hiện đại. Tôi cũng hiểu rằng, ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Gia đình Việt Nam, là nhằm xây dựng ý thức cho tất cả mọi người về hai chữ “gia đình”, từ đó ra sức xây dựng và vun đắp tổ ấm của mỗi người.  

Bà Hạnh nêu đề xuất cho nghỉ ngày Gia đình Việt Nam 28/6. (Ảnh: Báo Nghệ An).

Nhưng lý do sau cùng mà bà đưa ra lại khiến tôi cảm thấy nó hơi… to hơn mục đích. Bà nói: “Tôi đi về nhiều địa phương, thấy người dân mong mỏi ngày này được nghỉ, tôi thấy điều này là hợp lý. Nếu được nghỉ vào ngày Gia đình Việt Nam thì chúng ta sẽ có dịp để lắng lại, hướng về các giá trị gia đình tốt đẹp”.

Nói thật là một người làm công ăn lương, nếu được ông chủ cho phép, tôi cũng muốn được tăng thêm vài ngày nghỉ “cuối tuần”. Bởi dù luật lao động có quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương nhưng từ ngày được công ty đóng bảo hiểm cho, tôi chưa dám viết đơn xin nghỉ lấy một lần.

Bà biết vì sao không? Vì nếu tôi nghỉ vài ngày, cái vân tay không xuất hiện, cả “đoàn tàu há mồm” bao gồm vợ và ba con nhỏ ở nhà sẽ bị trừ đi vài ba bữa cơm có đủ cá, thịt.

Nếu thường xuyên nghe tin tức trên báo đài, bà sẽ thấy nhiều chuyên gia, ĐBQH bày tỏ lo ngại về tác động của việc nghỉ lễ “quá dài và quá nhiều” với năng suất lao động của Việt Nam. Chưa kể đến “tập quán” nghỉ là… nhậu của một bộ phận người Việt.

Ở quê tôi, những ngày nghỉ lễ trở thành cực hình với phụ nữ, bởi khi đàn ông trong nhà đang “hò dô”, “trăm phần trăm” thì họ phải còng lưng nấu nướng, dọn dẹp. Rồi ngộ độc, ẩu đả, tai nạn giao thông cũng từ đó mà ra cả…

Nếu đọc đến đây mà bà vẫn chưa hiểu ý tôi, thì hãy về nhà và bảo con mình: “Mẹ cho con nghỉ ngày hôm nay, hãy ngồi yên đó và suy nghĩ về giá trị của Tổ ấm”. Sau đó, hãy lặng yên xem điều gì sẽ xảy ra…

Với tôi, không cần biết hôm nay là ngày gia đình hay tuần hạnh phúc, tôi vẫn lựa chọn về thẳng nhà ăn cơm thay vì lê la bia hơi sau mỗi giờ làm việc. Mỗi tối, tôi vẫn dành thời gian để trò chuyện cùng các con, đôi khi lăng xăng giúp vợ vài việc lặt vặt. Và sớm hôm sau lại cặm cụi dắt xe đi làm, với yên sau chở đầy tình yêu thương…

Kính thư

Một người làm cha