Chính sách

Đề xuất mới về siêu thị, cửa hàng tiện ích

Hiện tại, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại và lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Dự thảo quy định về tiêu chí phân loại (vị trí, diện tích, cơ sở hạ tầng, thời gian kinh doanh, hàng hóa kinh doanh…) và quản lý hoạt động các loại hình hạ tầng thương mại (phân loại, phân hạng, xây dựng hạ tầng; yêu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm của thương nhân kinh doanh đối với các loại hình hạ tầng thương mại).

Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM về việc Ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.

Các siêu thị sẽ được phân loại tùy vị trí, diện tích, cơ cấu mặt hàng kinh doanh

Theo đó, về tiêu chí siêu thị, Dự thảo Thông tư nêu rõ: Cơ sở kinh doanh thương mại được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị nếu có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, cách thức tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản của 1 trong 3 hạng siêu thị hoặc tiêu chí siêu thị mini theo quy định.

Cụ thể, siêu thị hạng I là siêu thị kinh doanh tổng hợp phải có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hóa; có diện tích kinh doanh từ 3.500m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên.

Siêu thị hạng II là siêu thị kinh doanh tổng hợp có diện tích kinh doanh từ 2.000m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 10.000 tên hàng trở lên.

Siêu thị hạng III là siêu thị kinh doanh tổng hợp có diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên.

Đối với siêu thị mini phải có diện tích kinh doanh từ 80 m2 trở lên; danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên.

Theo Dự thảo, cơ sở kinh doanh thương mại được gọi là trung tâm thương mại và phân hạng trung tâm thương mại nếu có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản của 1 trong 3 hạng trung tâm thương mại theo quy định.

Cụ thể, trung tâm thương mại hạng I có vị trí giao thông thuận tiện cho việc tiếp cận, mua bán hàng hóa, diện tích kinh doanh từ 50.000 m2 trở lên, các công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.

Trung tâm thương mại hạng II có diện tích kinh doanh từ 30.000 m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh của trung tâm thương mại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.

Trung tâm thương mại hạng III có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh của trung tâm thương mại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.

Tiêu chí của cửa hàng tiện ích, cửa hàng outlet

Hiện nay, tại Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM chưa có tiêu chí cửa hàng tiện ích, cửa hàng outlet, trung tâm outlet. Tuy nhiên, tại Dự thảo này, Bộ Công Thương đã đưa ra các tiêu chí cụ thể để phân loại cửa hàng tiện ích, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.

Theo đó, tiêu chí cửa hàng tiện lợi, vị trí đặt tại khu dân cư tập trung, diện tích kinh doanh từ 30 m2 đến dưới 200 m2, kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng; đối tượng phục vụ chủ yếu là khách trong bán kính dưới 500m; có thể hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày…

Tiêu chí cửa hàng outlet, đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại, gần nhà máy hoặc kho của các nhà sản xuất, các cảng hàng không, khu kinh tế, khu phi thuế quan hoặc nằm trong trung tâm outlet.

Diện tích kinh doanh từ 50 m2 trở lên; hàng hóa có nhãn hiệu, chủ yếu là hàng hóa tồn kho, hàng lỗi mốt, hàng hóa có nhược điểm, hàng được sản xuất chỉ nhằm mục đích để bán tại outlet.

Tiêu chí với trung tâm outlet, đặt tại khu vực ngoại thành, gần các điểm du lịch nổi tiếng, gần trung tâm các thành phố lớn, phù hợp với quy hoạch, diện tích tối thiểu là 7.000 m2…

Các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí sẽ không được đặt tên là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet…

Tuệ Minh