Sự kiện

Đề xuất “mất bằng lái xe đều phải thi lại”: “Dư luận phản ứng là lẽ thường tình”

Theo đại biểu Quốc hội, việc chỉ lấy một số người để đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người bị mất bằng lái xe đều phải thi lại sẽ không hợp lý, dễ dẫn đến những tiêu cực, phiền hà.

Tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm xâm phạm an toàn giao thông và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp tổ chức vào ngày 6/3, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang đề xuất quy định người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ mới được cấp bằng.

Việc này theo ông Thể nhằm tránh tình trạng "lách luật" có thêm bằng lái xe thứ 2-3 để tiếp tục hoạt động.

“Dư luận phản ứng là lẽ thường tình”

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng là ý tốt và nhằm mục đích, mong muốn quản lý một cách chặt chẽ việc cấp bằng lái xe, nhưng khi phát biểu chưa hết ý dư luận phản ứng là lẽ thường tình. Như vậy sẽ tạo ra sự không hiểu nhau giữa mọi người.

"Theo tôi, việc xử lý bằng lái cần có thái độ quản lý chặt chẽ. Bởi có quá nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lái xe, gây ra các tai nạn thương tâm, dẫn đến thiệt hại tài sản, làm mất trật tự an toàn giao thông. Tình trạng cấp bằng cho những người chưa đủ tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại như cấp bằng việc phải chi tiền, thi hộ…”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bài toán đặt ra là cần quản lý chặt chẽ vấn đề này ở khía cạnh quản lý Nhà nước và người dân, xã hội, các cơ quan phải giám sát quá trình này. Ở khía cạnh thứ hai cần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Nếu người ta đã có bằng lái xe nhưng do mất trộm, cháy nhà... mà bắt thi lại để cấp bằng mới là không đúng.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ, việc để xảy ra các lỗ hổng dẫn đến tiêu cực để có bằng lái xe thứ 2, thứ 3 như Bộ trưởng Thể nêu ra không phải trách nhiệm của người dân, mà thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Đây không phải trách nhiệm của người dân nên không được đổ lên đầu người dân như vậy. Cần phải có các quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tế để những trường hợp nào không được cấp lại và trường hợp nào được cấp lại, để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi mất các giấy tờ. Nếu phát hiện sai phạm như cấp sai, thừa, không đúng quy định phải xử lý trách nhiệm, xử lý thật nghiêm", vị Đại biểu cho hay.

“Tốn thời gian, chi phí và mất cơ hội cho dân”

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Thể không hợp lý khi lấy một số người để đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người.

Theo ông Hòa, trong thực tế có mốt số trường hợp lái xe đã "gian dối, lách luật" để báo mất bằng lái xe rồi làm thêm các bằng thứ 2, thứ 3 và sau khi vi phạm, bị cơ quan chức năng thu giữ bằng này lại có bằng khác sử dụng, điều khiển phương tiện.

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, việc áp đặt cho tất cả những người bị mất bằng lái phải thi lại thì đó là điều bất hợp lý.

“Tuy nhiên, nếu áp đặt cho tất cả những người bị mất bằng lái phải thi lại thì đó là điều bất hợp lý. Hơn nữa, đề xuất trên sẽ gây nên những phiền hà không cần thiết cho người dân như mất thêm thời gian, chi phí, mất cơ hội, ảnh hưởng đến cuộc sống...

Với những người dân bị mất trộm bằng lái xe hoặc do nguyên nhân chính đáng nào đó và họ vẫn còn hồ sơ gốc nhưng lại bắt phải thi lại mới cấp cho bằng mới sẽ tạo ra thiệt thòi rất lớn”, ông Hòa nêu quan điểm.

Vị ĐBQH cho rằng, hiện nay, các cơ quan chức năng có đầy đủ năng lực, phương tiện, con người để có thể xác minh, làm rõ được người này mất bằng lái xe thực sự hay khai gian dối để được cấp bằng.

“Trong luật đã có quy định rõ ràng về việc cấp lại bằng lái. Nếu chúng ta kiểm tra, xác định đúng người này bị mất bằng không phải do bị thu, giữ và có cơ quan công an xác nhận... thì phải cấp lại cho người ta chứ không thể bắt thi lại.

Có trường hợp, không chỉ mất bằng lái mà còn mất theo đó rất nhiều giấy tờ khác, tiền bạc và đây là xác suất mà ai cũng có thể bị. Do đó, chúng ta cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật chứ không thể xét một cách cứng nhắc, áp đặt”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Thu Huyền