Chính sách

Đề xuất đóng “phí chia tay” mỗi lần đi nước ngoài: "Làm được gì cho người dân mà đòi thu phí?"

Trước đề xuất công dân đóng “phí chia tay” 3-5 USD cho mỗi lần đi nước ngoài của ĐB Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội, nhiều ĐBQH cho rằng, đề xuất này có đi vào thực tiễn hay không cần phải đánh giá kỹ lưỡng.

Sáng ngày 12/6, trong phần thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) có đưa ra đề xuất “nên chăng Việt Nam chúng ta cũng giống một số nước khi công dân ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền “phí chia tay” với khoảng 3 tới 5 USD/người khi xuất cảnh”.

Đề xuất này được đưa ra cũng đã nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận. Trong đó, đa phần dư luận cho rằng không nên thu thêm phí với bất kỳ lý do gì đi chăng nữa.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của một số ĐBQH xoay quanh đề xuất này.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng: “Theo tôi, đây là sáng kiến của một đại biểu có kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành du lịch. Cá nhân tôi trân trọng ý kiến đề xuất này, cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ ở một số vấn đề: Thứ nhất, cơ sở pháp lý trong việc hình thành quỹ này như thế nào? Chúng ta đã có luật Phí và Lệ phí.

Thứ hai, thực chất đây là khoản tiền mà người dân phải đóng góp, vậy cơ chế quản lý phải đúng theo quy định của pháp luật. Một phần nữa, liệu rằng khoản này có quan trọng đến mức, nếu không có khoản này thì không thúc đẩy được hoạt động du lịch, hay không cải thiện được điều kiện, thủ tục xuất nhập cảnh cho người dân tốt hơn hay không. Nên cần phải đánh giá tác động của việc thu một khoản phí, đồng thời, có cách nào đó người dân không phải đóng một khoản nào đó mà tình hình thủ tục xuất nhập cảnh vẫn được cải thiện?”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề xuất đưa ra mà được đồng ý, thì điều này sẽ lại khiến người dân chịu “phí chồng phí”. Trả lời điều này, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh cho hay: “Chính vì vậy, tôi mới cho rằng cần xem xét lại phù hợp với hệ thống pháp luật hiện nay. Không khéo đưa ra khoản phí chồng phí thì cần phải rà soát, nếu thực sự cần phải làm cho chuyến đi tốt hơn, thì đó là điều thoả đáng. Nhưng, đưa ra một khoản mơ hồ, người dân mất tiền thì cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng”.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ sự bất ngờ trước đề xuất đóng “phí chia tay” 3-5 USD cho mỗi lần đi nước ngoài.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) bày tỏ sự bất ngờ trước đề xuất của ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng về khoản “phí chia tay”. 

“Tôi không đồng ý với đề xuất này, ngành du lịch phải nghĩ cách làm sao giảm phí cho người dân, kể cả mình đã đề nghị miễn visa cho khách du lịch, mở rộng đối tượng khách ở các quốc gia khác… thì mới thu hút du lịch. Tại sao lại “phí chia tay”, đã làm được gì, phục vụ được gì cho người dân mà đòi thu phí. Trong khi đó, trách nhiệm của ngành du lịch như thế nào, khi đất nước ta có tiềm năng về ngành du lịch mà cứ loay hoay “ăn xổi ở thì” là không được.

Nếu muốn phát triển du lịch trong nước thì với những gì nhà nước đầu tư, làm cho tốt cũng đủ phát triển. Nhưng vì điều hành không khéo mới thành ra như vậy. Chưa kể, sản phẩm du lịch cũng tuỳ địa phương thì rất khó phát triển…”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng đề xuất đưa ra cần cân nhắc thận trọng. 

Xoay quanh đề xuất nêu trên, ĐBQH Phạm Tất Thắng bày tỏ: “Ý kiến đề xuất là quyền của đại biểu, còn đề xuất đó có nhận được sự ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào quá trình các cơ quan chức năng, cơ quan soạn thảo phải thẩm định, đánh giá tác động. Bản thân đề xuất đó phải thuyết phục thì mới thuyết phục được số đông ĐBQH thông qua, đưa vào luật thành một chính sách.

Trên thực tế, có những nước trên thế giới cũng đã áp dụng giải pháp đó rồi, tuy nhiên mỗi một giải pháp có thể đúng ở đất nước này, chưa chắc đã áp dụng tốt ở đất nước khác. Cho nên, áp dụng những kinh nghiệm của nước ngoài vào Việt Nam cần phải có đánh giá, cân nhắc thận trọng chứ chưa thể quyết định có nên áp dụng đề xuất đó hay không, xem có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không”.

Nhóm PV Quốc hội