Chính sách

Đề xuất địa phương quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo

Bộ GTVT đang đề xuất bổ sung quy định phân cấp địa phương quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2013 và Thông tư số 36/2019 về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.

Đáng chú ý, dự thảo thông tư bổ sung quy định phân cấp cho địa phương trong việc thực hiện công bố mở tuyến và cấp phép hoạt động vận tải trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.

Cụ thể, cùng với quy định Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý hoạt động vận tải thủy từ bờ ra đảo hoặc hướng dẫn Sở GTVT các địa phương tổ chức quản lý theo danh mục tuyến hiện có, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy định UBND cấp tỉnh công bố tuyến vận tải từ bờ ra đảo thuộc địa giới hành chính.

Trường hợp tuyến vận tải từ bờ ra đảo thuộc địa giới hành chính từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, UBND các tỉnh, thành phối hợp công bố tuyến. UBND cấp tỉnh đồng thời chấp thuận, phối hợp chấp thuận cho tổ chức, cá nhân đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo; xây dựng và ban hành quy định cụ thể về việc công bố tuyến.

Về đầu mối cấp phép vận tải, dự thảo thông tư quy định Sở GTVT địa phương (nơi có cảng, bến đón, trả khách do địa phương quản lý) là nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, theo hình thức hồ sơ trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc dịch vụ công trực tuyến.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở GTVT xin ý kiến của Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN nơi có tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo đi qua trước khi cấp thuận cho tổ chức, cá nhân vận tải khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.

Toàn quốc hiện có 39 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được Bộ GTVT công bố, tổ chức quản lý.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam (đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo), những quy định mới trên phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 về đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, nhằm phân định rõ quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, còn tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa và nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường đối với tàu thuyền hoạt động trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo.

Hiện nay, toàn quốc có 39 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được Bộ GTVT công bố, tổ chức quản lý. Trong đó có 34 tuyến do Cục Hàng hải Việt Nam quản lý, các Cảng vụ Hàng hải thực hiện việc cấp phép vận tải; 5 tuyến khác do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, nhưng được ủy quyền cho Sở GTVT các địa phương quản lý.

Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT hiện hành chỉ quy định trách nhiệm quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo của Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức quản lý hoạt động vận tải thủy trên tuyến quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này theo quy định của pháp luật hàng hải và giao thông đường thủy nội địa.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý hoặc kiểm tra, hướng dẫn các Sở GTVT tổ chức quản lý đối với các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo được công bố theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.