Tài chính - Ngân hàng

Đề xuất cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 3% vốn ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử, bao gồm: bổ sung nguyên tắc tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của Ngân hàng nhà nước về các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Dự thảo cũng bổ sung quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp tín dụng qua thẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.

Về hoạt động của ngân hàng thương mại, Dự thảo Luật bổ sung thư tín dụng vào hoạt động cấp tín dụng để phản ánh đúng bản chất hoạt động này, đồng thời lược bỏ hoạt động phát hành "kỳ phiếu, tín phiếu" do thực tế quá trình thực hiện không phát sinh. Bổ sung hoạt động "giao đại lý" trong lĩnh vực thanh toán và điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.

Về hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô, Dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân, điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để giải quyết những bất cập thời gian qua. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về Dự phòng rủi ro theo hướng quy định bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với từng trường hợp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, đối ngoại.

Đáng quan tâm, Dự thảo Luật sửa dổi, bổ sung quy định về trường hợp tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác trong các trường hợp ngay cả khi chưa được kiểm soát đặc biệt để giải quyết, xử lý sự cố khách hàng gửi rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng thời gian qua.

Theo đó, Điều 151 Dự thảo đã sửa đổi về thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt. Cụ thể, Chính phủ sẽ là cấp có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với những khoản vay không có bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với những khoản vay có bảo đảm. Đối với những khoản cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm nhưng có tổng mức dư nợ vay lớn, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương trước khi thực hiện cho vay.

Về việc đánh giá tổng thể thực trạng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Dự thảo Luật sửa đổi quy định trường hợp không thuê được tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện, Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước...

Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa Luật sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý hoạt động, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Với việc sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro sẽ góp phần tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng... Đồng thời, khắc phục một số vấn đề mới phát sinh hiện nay chưa được pháp luật quy định như hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ…

Ngoài ra, một trong những nội dung đáng chú ý lần này là việc dự kiến siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 5%), trong khi tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức không quá 10% (quy định hiện tại là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giảm những tỷ lệ trên giúp tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, hạn chế việc chi phối và thâu tóm ngân hàng. Đồng thời ngăn lạm dụng quyền quản trị, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân là thành viên hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn.

Bên cạnh đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

Mặt khác, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Lập ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng ban, các phó trưởng ban gồm Phó thủ tướng Lê Minh Khái (phó trưởng ban thường trực) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Ban Chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Bên cạnh đó được giao nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689 và các vấn đề vượt thẩm quyền bộ, ngành.

Đồng thời giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề trong phạm vi Quyết định 689 thuộc chức năng, nhiệm vụ; điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả tham gia, phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Tuệ Minh