Giáo dục

Đề xuất có chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo Việt Nam: Chồng chéo và đối phó?

Trong hội thảo Góp ý các nội dung về chính sách Nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do cục Nhà giáo, bộ GD&ĐT tổ chức, ông Lê Quán Tần, Phó Chủ tịch hội Cựu giáo chức Việt Nam đã kiến nghị, Việt Nam nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng đảm bảo của giáo viên trong thực tế hành nghề.

Chứng chỉ chưa chắc nâng chất lượng

Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng: “Chứng chỉ hành nghề, có thực chất giúp chất lượng giáo dục được nâng lên hay không?

Giáo dục Việt Nam vẫn đòi hỏi ở một trình độ nào đó, tốt nghiệp đại học, cần có bồi dưỡng kỹ năng theo tiêu chuẩn nghề nghiệp, dựa vào đó, phân tích chức năng cần có kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ của giáo viên là gì, bám vào khung trình độ quốc gia, để xây dựng. Chúng ta đang tiếp cận sai khái niệm tiêu chuẩn hành nghề.

Thứ hai, hiện nay, chứng chỉ hành nghề giáo viên của Việt Nam chưa có gì đủ làm điều kiện chứng tỏ nâng cao chất lượng của người học, minh chứng phục vụ chất lượng học sinh. Phải xây dựng từ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, đổi mới công tác đào tạo, chương trình đạo tạo bồi dưỡng của các trường đào tạo sư phạm, đào tạo lý thuyết giỏi chưa chắc thực hành đã thạo. Cũng như khi đi học lái xe mà chỉ tiếp cận lý thuyết, có khi vẫn không lái được. Giáo viên cũng cần kỹ năng, thao tác nghiệp vụ, dựa theo khung trình độ quốc gia, phân ra các chuẩn trung cấp, cao đẳng, đại học…

Điều cuối cùng, cũng nên lưu ý, hệ thống tại Việt Nam còn bất cập, mới chỉ yêu cầu giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh B1, B2 thôi đã tạo một thị trường hết sức sôi động, tấp nập mua bán chứng chỉ. Nhà nước làm phải chú ý tạo điều kiện để giáo viên phải được cải thiện suốt đời, liên tục được cập nhật.

TS. Hoàng Ngọc Vinh khẳng định, chứng chỉ hành nghề chưa chắc chắn đảm bảo chất lượng giáo viên.

GS. TS. Phạm Tất Dong cũng nhận định: “Số giáo viên làm sai lệch cũng không phải bộ phận quá đông đảo, nếu lấy lý do đưa ra chứng chỉ hành nghề để tước khi xảy ra tiêu cực, chỉ như một hình thức đối phó, chỉ có chống mà không có xây.

Giáo viên vi phạm, tùy theo hình thức xử phạt theo luật hiện hành. Hành nghề là một quyền lợi, vi phạm thì Luật Giáo dục có rồi, sai phạm ra sao sẽ có một hình thức xử lý, cứ thế chiểu theo mà làm, không cần phải “vẽ” thêm ra, nếu vi phạm các luật xã hội sẽ có luật tương ứng”.

Chứng chỉ chồng chéo

Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT đại học FPT, chứng chỉ hành nghề sẽ chỉ là một “tờ giấy” dán thêm lên một cái đang có, làm sao để kiểm soát chất lượng: “Hiện tại, để trở thành nhà giáo, cũng đã có sẵn một số tiêu chuẩn. Nếu cần thêm một chứng chỉ, cần trải qua một khóa học, thì nên đưa luôn nội dung đó vào chương trình trường đại học sư phạm”.

Ông nhận định: “Giả sử, xuất hiện nhiều người không có trình độ sư phạm cũng đi dạy thì mới cần có chứng chỉ để kiểm soát, nhưng thực tế đâu phải như vậy. Chẳng hạn, nhiều người không có bằng bác sĩ vẫn khám, chữa bệnh, khiến nhiều người không biết ai là bác sĩ để giao sức khỏe và tính mạng, sẽ phức tạp.

Nhưng câu chuyện nhà giáo chưa xảy ra đến vấn đề đó. Làm gì có ai bảo “Tôi là giáo viên” là người ta lao vào học ngay đâu. Hiện nay, giáo viên thường gắn với các tổ chức cụ thể, đã có cơ chế kiểm soát chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng chuẩn nhà giáo, sao lại phải thêm thủ tục, khi không mang lại lợi ích gì thì bớt được thủ tục sẽ tốt hơn”.

TS. Lê Trường Tùng cho rằng, mô hình giáo dục tại Việt Nam khác với các nước tiên tiến điển hình, không thể so sánh.

“Một số nước như Phần Lan, nhà giáo là một lực lượng khá tinh hoa, để đi dạy là phải đạt trình độ tương đương thạc sĩ. Họ là những người đã tốt nghiệp những ngành về chuyên môn như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử , Địa,... Sau khi tốt nghiệp đại học, họ đi học thêm về nghiệp vụ, tương đương thạc sĩ, khi đó mới đi dạy. Nhưng mô hình đó khác hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Tất cả nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nhà giáo,… đã được dạy trong đại học sư phạm”.

Thầy Đàm Bạch Long, một giáo viên phổ thông tại Hà Nội cũng nhận định: “Việc cấp thêm một chứng chỉ nữa có thể sẽ bị chồng chéo với bằng tốt nghiệp sư phạm. Hơn nữa, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, phát sinh nhiều tiêu cực, có người xin, người cho. Câu chuyện này đưa ra sẽ khó khả thi, cái thiện chất lượng hay thêm một “mớ phiền phức” để mọi người phải đi theo?”.