Chính sách

Đề xuất có buýt đường thủy chạy trên sông Hồng: Lãng mạn thật đấy nhưng khó khả thi!

Đại biểu HĐND TP. Hà Nội cho rằng sông Hồng đẹp hơn sông Sài Gòn nhiều, đề xuất Hà Nội nên có buýt đường thủy nội địa để du khách đi tàu ngắm được Thủ đô. Đề xuất này cũng đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. 

Ý tưởng rất thơ mộng

Mới đây, thảo luận nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội khóa XV, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) đề xuất thành phố nên có buýt đường thuỷ nội địa để du khách đi tàu ngắm được Thủ đô.

Theo ông Minh, Hà Nội hiện có các đường vành đai, đường hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị. TP Hà Nội nên quan tâm đến hình thức kết nối giữa các loại hình giao thông, kết hợp với đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân. Không nên tăng thêm nhiều xe buýt nữa, bởi tăng thêm là tắc.

“Phải đưa thêm loại hình mới vào, như vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt là phát triển du lịch hai bên bờ sông Hồng. Ở một số nước cũng có buýt đường thủy. Chúng ta cũng đang trong thời gian quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Cần quan tâm đến đường sát mép nước, làm sao nó đẹp, du khách đi trên tàu có thể ngắm được Thủ đô. Sông Hồng còn đẹp hơn sông Sài Gòn nhiều”, ông Minh nói.

Đề xuất có buýt đường thủy chạy trên sông Hồng thu hút nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh hoạ).

Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng đã bày tỏ ý kiến của mình với PV báo điện tử Người Đưa Tin.

Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT (cục CSGT, bộ Công an), là một người quan tâm đến vấn đề giao thông tại Việt Nam bày tỏ: “Về ý tưởng rất hay, rất thơ mộng, lãng mạn nhưng rất khó để thực hiện. Bởi, những dòng sông để làm du lịch phải hội tụ rất nhiều điều kiện như bến (khi đi đến đâu phải có bến dừng để cho khách lên xuống, có tàu neo đậu). Thêm nữa, các địa điểm du lịch dọc theo ven sông phải quy hoạch, rồi các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề cũng cần cân nhắc, nhưng quy hoạch thì không dễ.

Đặc điểm của sông Hồng là theo từng mùa, mùa nước chảy xiết, nước cạn… Ý tưởng này nếu được ủng hộ thì nên thành lập một tiểu ban để nghiên cứu về vấn đề này, có các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, đường thuỷ…”.

Đại tá Trần Sơn cũng nhấn mạnh: “Cần phải phân tích kỹ xem có khả thi hay không, chứ không cứ đổ tiền vào đó không có khách, thua lỗ như buýt nhanh BRT thì không ổn. Tôi cho rằng, trong điều kiện đường xá thủ đô như vậy làm là không khả thi. Làm gì cũng phải đảm bảo vừa an toàn, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế và có liên kết giữa các địa phương, ngành nghề với nhau”.

Bên cạnh đó, nếu buýt đường thủy chạy trên sông Hồng được thực hiện, đi vào hoạt động thì Đại tá Trần Sơn cũng bày tỏ sự lo lắng: “Ngoài bến bãi, làng nghề, địa điểm du lịch ven sông thì vấn đề an toàn sông nước cho người tham gia giao thông đường thuỷ nội địa là phải đảm bảo an toàn trên hết. Có nhiều vấn đề đặt ra, nên khi đề xuất vấn đề gì thì những đại biểu nên có nghiên cứu thật kỹ chứ không chỉ biết nói ra như vậy”.

Đại tá Trần Sơn cho rằng rất thơ mộng, lãng mạn nhưng khó thực hiện.

Cần có sự kết nối

Cũng trao đổi thêm với phóng viên về điều này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông đô thị cho hay: “Về cơ bản, đường thuỷ nội địa của chúng ta hiện nay chưa khai thác tốt, đường thuỷ nội địa không những có thể chỉ chở người mà còn có thể kết hợp làm du lịch, ở một số quốc gia trên thế giới đã làm rồi.

Nhưng, vấn đề ở đây không đơn giản chỉ làm một tuyến mà bản chất giao thông phải là sự liên kết giữa sông kết nối. Nên nếu mở một đường buýt trên sông không thì không thể hoạt động gì được”. 

Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, cần kết nối giữa đường thuỷ nội địa, đường bộ thì mới có thể khả thi.

“Không có khái niệm buýt trên sông mà là tàu đi theo dạng buýt, về vấn đề kinh tế xã hội cần phải nghiên cứu kỹ, tôi cho rằng đi đường thuỷ không thể nào đi nhanh như đường bộ được, nên đề xuất này chỉ có thể thành công khi kết hợp với nhiều thứ như tôi đã phân tích ở trên”, TS. Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Vì thế, cần có sự nghiên cứu kỹ các yếu tố thì mới có thể triển khai: “Việc này, tôi cho rằng Nhà nước không nên bỏ tiền mà để cho tư nhân có điều kiện họ làm, nghiên cứu nếu cảm thấy có lợi thì họ sẽ làm”.