Tiêu dùng & Dư luận

Đề xuất cho xe đạp sử dụng chung đường với người đi bộ

Khó khăn lớn nhất đối với việc phát triển mạng lưới xe đạp công cộng là còn thiếu cơ sở hạ tầng dành cho loại hình phương tiện này.

Theo thống kê của doanh nghiệp triển khai, chỉ sau hơn 2 tháng triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn Tp.Hà Nội, đến nay đã có 100.000 người đăng ký sử dụng qua ứng dụng với gần 135.000 chuyến đi.

Dù triển khai dịch vụ này sau Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng song tại Hà Nội, số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều nhất, chiếm trên 50%. Không chỉ góp phần giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối giao thông hiệu quả giữa các loại hình giao thông công cộng như: metro, xe buýt.

3 yếu tố cho xe đạp công cộng tồn tại và phát triển

Chia sẻ tại tọa đàm "Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?" sáng ngày 23/11, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đánh giá cao sự cố gắng và nỗ lực của Tp.Hà Nội và doanh nghiệp khi triển khai dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội thời gian qua, song ông cho rằng vẫn còn nhiều thách thức khi duy trì và phát triển dịch vụ này.

Theo đó, dù cho rằng xe đạp công cộng có thị trường, có khách song để tồn tại và phát triển thành công, ông Hải nhấn mạnh cần 3 yếu tố chính: thị trường; coi đây là phương tiện vận tải hành khách công cộng có bàn tay quản lý của Nhà nước và phải tạo được sự tin cậy của người dùng.

Hơn 100.000 người đã đăng ký dịch vụ xe đạp công cộng qua ứng dụng với gần 135.000 chuyến đi, sau hơn hai tháng vận hành loại hình này ở Thủ đô (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong đó, để mở rộng thị trường, cần có môi trường (về thể chế, giao thông) để phương tiện vận hành thuận tiện. Muốn có môi trường thuận lợi lại cần cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra tạo dựng về khung pháp lý, cơ chế vận hành cho phương tiện bao gồm xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu của đơn vị vận hành để xe đạp đảm bảo an toàn trong tuổi thọ 4-5 năm, có bộ máy tương tác thường xuyên với người dân, kịp thời điều tiết phương tiện đáp ứng nhu cầu trong những thời điểm cao điểm.

Bên cạnh đó, phải coi đây là loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị và Nhà nước phải tham gia vào để quản lý, xây dựng khung giá sao cho hấp dẫn người dân sử dụng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo được sự tin cậy cho người dân, phải có đội ngũ xe thường xuyên đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, có hệ thống duy tu bảo dưỡng và kiểm soát chất lượng, có tương tác hiệu quả với hành khách, quá trình người dân sử dụng gặp sự cố phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ giải quyết giúp người dùng sử dụng dịch vụ được an toàn, thoải mái.

Đặt vấn đề có cần trợ giá cho xe đạp công cộng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, ở Việt Nam khi triển khai dịch vụ cần đặt trong bối cảnh đặc thù giao thông và đi lại của người dân để cung ứng dịch vụ cho phù hợp.

Ở các nước trên thế giới, triển khai dịch vụ xe đạp có nhiều thuận lợi như môi trường giao thông rất thuận lợi, thông thoáng; nhận thức của người dân cũng dần chuyển đổi sang nhu cầu đi lại tiết kiệm hơn, xanh hơn, tiện dụng hơn nên cũng chủ động hướng tới loại hình phương tiện này.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, tại nhiều nước trên thế giới, Nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ điều kiện về hạ tầng cho phương tiện phát triển như bố trí các điểm để xe rộng khắp vị trí của thành phố, các phương tiện khác cũng chủ động nhường đường cho xe đạp.

Do vậy ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng Việt Nam cũng nên đi theo hướng này. So với trợ giá, việc hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý sẽ góp phần giúp dịch vụ được phát triển đúng hướng. Sau đó sẽ tiếp tục trợ giá.

Cơ sở hạ tầng cho xe đạp vẫn là khó

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam (đơn vị triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn Tp.Hà Nội) cho biết doanh nghiệp này đã chủ động tìm hiểu ở nước ngoài về việc trợ giá cho xe đạp công cộng. Theo đó, Singapore hỗ trợ các công nhân viên chức dùng xe đạp đi làm sẽ được một số tiền nhất định. Hà Lan trợ giá cho xe đạp để thúc đẩy hạ tầng.

"Ở Việt Nam, việc trợ giá chủ yếu về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ, trợ giá cho doanh nghiệp để vận hành là điều cần thiết. Có thể qua giai đoạn thí điểm và qua một vài năm làm nếu thấy có lợi ích cho xã hội, Nhà nước chắc chắn không bao giờ bỏ rơi doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng sẽ có những kết quả khả quan để Nhà nước nhìn thấy", ông Quân chia sẻ.

Khái quát về kế hoạch triển khai của doanh nghiệp trong thời gian tới, đại diện Công ty Trí Nam cho biết doanh nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu là phát triển rộng dịch vụ xe đạp công cộng với nhiều trạm xe hơn nữa.

Công ty cũng muốn sau này được cơ quan Nhà nước hỗ trợ, được sự đánh giá tích cực của người dân. Khi đó, chúng tôi sẽ phát triển xe đạp công cộng đa điểm và sẽ phân công đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng, vận hành.

Tuy nhiên, chi phí cho vận hành cũng phải nghiên cứu để phù hợp với người dân. Làm sao để người dân thuận tiện nhất, có chi phí phù hợp sẽ thúc đẩy dịch vụ xe đạp công cộng. Điều đó sẽ giải quyết được vấn đề kết nối cho vận tải hành khách công cộng số lượng lớn.

"Điều này cũng cần sự hỗ trợ, chung tay tuyên truyền để người dân có sự thay đổi. Đây là quá trình dài và cần sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị, người dân", ông Quân chia sẻ.

Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam (Ảnh: Báo Giao thông).

Cũng theo ông Quân, qua thời gian thí điểm, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nói riêng và việc phát triển xe đạp công cộng nói chung là còn thiếu cơ sở hạ tầng cho xe đạp. Hiện tại, Hà Nội bắt đầu có đề án đường dành riêng cho xe đạp. “Đây là tin mừng cho chúng tôi. Điều này khẳng định Nhà nước luôn đồng hành, ủng hộ cùng doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp nói.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Bá Quân cũng đề xuất Nhà nước quan tâm hơn nữa cho dịch vụ xe đạp, tạo điều kiện về đảm bảo an ninh an toàn ở các điểm trạm, coi chúng tôi như các dịch vụ công cộng khác để được hưởng ưu đãi; đưa loại hình này vào hệ thống giáo dục, tuyên truyền từ trẻ mầm non để trẻ hiểu đây là phương thức để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, ông Quân cũng đề xuất khi chưa có hạ tầng dành riêng có thể mở cho xe đạp sử dụng chung với đường dành cho người đi bộ. Thực tiễn trên thế giới, có những nước cho phép xe đạp đi chung với người đi bộ.

“Nhiều thành phố của chúng ta có nhiều tuyến đường dành riêng cho người đi bộ nhưng không cho đi xe đạp. Vì vậy, tôi cũng mong có thể mở cho xe đạp đi vào một phần ở các tuyến đường dành cho người đi bộ", ông Quân đề xuất để dịch vụ xe đạp phát triển tốt hơn.