Chính sách

Đề xuất các mức phạt liên quan đến căn cước công dân gắn chíp

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã quy định những mức phạt liên quan đến căn cước công dân gắn chíp.

Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành hồ sơ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Hồ sơ dự thảo Nghị định này gồm có dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định.

Bố cục của dự thảo Nghị định gồm có 4 chương 82 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định bao gồm các cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam.

Công dân, tổ chức Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Các vi phạm liên quan đến căn cước công dân gắn chíp và mức phạt

Theo đó, dự thảo quy định những mức phạt liên quan đến căn cước công dân gắn chíp.

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây

- Không xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền. Ngoài ra, buộc thu hồi thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong trường hợp này.

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp.

- Không nộp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quốc tịch cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Chiếm đoạt, sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp của người khác.

- Tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của thẻ Căn cước công dân gắn chíp.

- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng thẻ Căn cước công dân gắn chíp.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi khai man điều kiện, làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Làm giả thẻ Căn cước công dân gắn chíp. Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp này.

- Sử dụng thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả. Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp này.

- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân gắn chíp. Ngoài ra, buộc thu hồi thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong trường hợp này.

- Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ Căn cước công dân gắn chíp. Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp này.

- Mượn, cho mượn thẻ Căn cước công dân gắn chíp để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong trường hợp này.

Đồng thời, dự thảo Nghị định đã bổ sung xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ; cơ quan, tổ chức kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không bán bảo hiểm cháy, nổ cho bên mua khi bên mua đã đáp ứng các yêu cầu về an toàn cháy, nổ; mang chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ trái phép vào nơi tập trung đông người...

Hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép; mua, bán hoặc đổi trái phép; sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm… Người nước ngoài có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép; mua, bán hoặc đổi trái phép; sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt cho phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hoàng Mai