Chính sách

Đề xuất bổ sung quy định về Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.

Bộ Tư pháp cho biết, sau 11 năm thi hành, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP đã có một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và pháp luật ban hành gần đây; một số vấn đề phát sinh mới cần được điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả thi hành.

Cụ thể, để thực hiện chủ trương về việc xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về triển khai dịch vụ công trực tuyến cần ban hành mẫu Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử để nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về Lý lịch tư pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức khi yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Điều 6 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định về lệ phí cấp Phiếu Lý lịch tư pháp và những trường hợp miễn lệ phí cấp Phiếu LLTP căn cứ theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001. Tuy nhiên, Luật phí và lệ phí năm 2015 quy định phí cung cấp thông tin Lý lịch tư pháp và giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Vì vậy, quy định về lệ phí cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Điều 6 của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP không còn phù hợp.

Hiện nay, pháp luật về Lý lịch tư pháp và pháp luật về lưu trữ chưa có quy định cụ thể về việc lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Vì vậy hơn 12 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp đã gặp khó khăn, lúng túng trong việc lưu trữ gần 5 triệu hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên toàn quốc, gây tình trạng quá tải cho nhiều địa phương, lãng phí thời gian, nhân lực và kinh phí, nhiều Sở Tư pháp không bố trí được kho lưu trữ khối lượng hồ sơ này. Việc quy định lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp sẽ giúp Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp thực hiện việc lưu trữ thống nhất, đúng quy định của pháp luật và giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định Sở Tư pháp tiến hành xác minh về việc người bị kết án có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì UBND cấp xã không có thông tin về hành vi phạm tội mới, vì vậy không thể cung cấp thông tin khi Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có yêu cầu.

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, dữ liệu Lý lịch tư pháp điện tử được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ Lý lịch tư pháp bằng giấy. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp cũng đang thực hiện cung cấp, trao đổi thông tin Lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử để xây dựng Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp. Đồng thời, công tác Lý lịch tư pháp đang hướng đến mục tiêu Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp tiếp nhận, xử lý thông tin Lý lịch tư pháp điện tử do các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, thi hành án dân sự…cung cấp, giảm dần việc cung cấp thông tin dưới hình thức văn bản giấy.

Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định trường hợp Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp có đầy đủ thông tin có trước ngày 01/7/2010 của những người đã xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thì việc việc tra cứu thông tin được thực hiện tại Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 24 chưa quy định rõ về việc Sở Tư pháp tra cứu thông tin có trước ngày 01/7/2010 trong Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

Hiện nay, Cơ sở dữ liệu tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang tích hợp toàn bộ thông tin Lý lịch tư pháp trên toàn quốc, bao gồm cả thông tin của người bị kết án có trước và sau ngày 01/7/2010 đồng thời tích hợp cả thông tin về xóa án tích của người bị kết án. Việc quy định không cụ thể về việc Sở Tư pháp tra cứu thông tin có trước ngày 01/7/2010 tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ ảnh hưởng thời hạn và đến tính chính xác trong nội dung Phiếu Lý lịch tư pháp.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP chưa quy định cụ thể việc chuyển hồ sơ và nhận kết quả tra cứu, xác minh thông tin qua đường điện tử, đồng thời, chưa quy định về trách nhiệm của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trong việc tổng hợp thông tin giữa cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp và kết quả tra cứu của ngành Công an đối với thông tin có trước ngày 01/7/2010. Do đó, thời hạn tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp kéo dài, thông tin chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến thời hạn cấp và nội dung của Phiếu Lý lịch tư pháp.

Thực tiễn thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, công tác tra cứu, xác minh về án tích có trước ngày 01/7/2010 tại các cơ quan có liên quan còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sở Tư pháp đã thực hiện nhiều phương thức xác minh khác nhau (công văn, xác minh trực tiếp, điện thoại, fax...), dù đã quá thời hạn nhưng vẫn không có thông tin. Nguyên nhân chủ yếu là các thông tin này đã quá lâu, chủ yếu những thông tin những năm 70 đến những năm 90, đồng thời là việc sáp nhập địa giới hành chính, chuyển trụ sở nên ảnh hưởng công tác lưu trữ của một số cơ quan. Trường hợp này thời hạn trả kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thường kéo dài gây bức xúc cho người có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

"Từ những nguyên nhân trên cho thấy việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP là rất cần thiết", Bộ Tư pháp cho biết.

Bổ sung quy định về mẫu Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử

Theo quy định Luật Phí và lệ phí năm 2015, dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin Lý lịch tư pháp.

Để bảo đảm thực hiện quy định về việc điện tử hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, dự thảo đã bổ sung quy định về mẫu Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, hướng dẫn về mẫu Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của địa phương và phù hợp với thực tiễn hiện nay trong việc số hóa giấy tờ, hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử; giá trị của hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử; thời hạn lưu trữ hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp bằng giấy và hồ sơ cấp Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử.

Đối với trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định của bản án, đã đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích, dự thảo Nghị định đã sửa đổi theo hướng cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, Quốc phòng... là cơ quan phối hợp tra cứu, xác minh với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp về việc người đó có hành vi phạm tội mới hay không.

Trên cơ sở kết quả tra cứu, xác minh thông tin, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện cập nhật vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án "đã được xóa án tích" hoặc "có án tích" theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thực hiện chủ trương về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp, tiếp nhận thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp, dự thảo Nghị định đã chỉnh lý theo hướng bổ sung dữ liệu Lý lịch tư pháp điện tử bao gồm cả thông tin lý lịch tư pháp được trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, xử lý và lưu trữ dưới dạng điện tử.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể nơi tra cứu đối với các trường hợp tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp nơi thực hiện cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Đồng thời, đảm bảo độ chính xác khi cấp Phiếu Lý lịch tư pháp cũng như giảm thời gian cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, phù hợp với tiến trình cải cách hành chính hiện nay, dự thảo Nghị định đã sửa đổi Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP về quy trình, trách nhiệm tra cứu, xác minh thông tin Lý lịch tư pháp theo hướng Sở Tư pháp gửi hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử tới 03 cơ quan: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, cơ quan hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh để tra cứu, xác minh thông tin. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhiệm vụ tổng hợp với thông tin tra cứu trong Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp để trả kết quả cho Sở Tư pháp.

Tuệ Minh