Chính sách

Đề xuất bỏ quy định lập riêng hóa đơn cho mặt hàng được giảm thuế VAT

Bộ Tài chính đề xuất cơ sở kinh doanh được lập hóa đơn chung cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế cũng như không giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Ngày 1/4, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình Chính phủ.

Bộ Tài chính cho biết thời gian vừa rồi nhận được một số công văn của các cục thuế, doanh nghiệp phản ánh vướng mắc liên quan đến vấn đề ghi hóa đơn. Theo Nghị định 15, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT thì mới được áp dụng thuế suất 8%.

Chính thức giảm thuế VAT xuống 8% từ ngày 1/2

Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỉ lệ % tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ.

Doanh nghiệp phản ánh quy định tại Nghị định 15 là làm tăng chi phí của doanh nghiệp (tăng chi phí thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn) vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập một hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải lập 2 hóa đơn: một hóa đơn ghi thuế 8% và một hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).

Tại Tp.HCM, hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết một ngày hệ thống sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử. Phần mềm hóa đơn điện tử cho phép tách riêng nhiều mức thuế suất khác. Tuy nhiên, việc phải tách riêng hóa đơn gây rất tốn kém chi phí của doanh nghiệp.

Hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết một ngày sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử. (Ảnh: Co.opmart)

Tại Hải Phòng, công ty cấp nước sạch mỗi tháng phải lập khoảng 400.000 số hóa đơn. Việc phải tách hóa đơn cho khoản thu hộ tiền dịch vụ thoát nước với thuế 8% khiến số hóa đơn phải lập mỗi tháng tăng gấp đôi. Ngoài ra, tiền dịch vụ thoát nước xác định căn cứ vào số nước tiêu thụ trong tháng nên việc tách hóa đơn sẽ khó khăn trong đối chiếu, kiểm tra… gây khó khăn trong việc thu tiền nước và tiền phí thoát nước từ phía khách hàng; chưa kể phát sinh chi phí về nâng cấp, sửa đổi phần mềm hóa đơn, nhân lực đi kèm.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cùng đề nghị cho phép doanh nghiệp được lập chung một hóa đơn và trên hóa đơn thể hiện thuế suất cho từng mặt hàng.

Các cục Thuế cũng đều xuất nếu doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn trên đó thể hiện được các loại thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ thuế GTGT và chính sách giảm thuế của Quốc hội thì doanh nghiệp được lập chung hóa đơn để giao cho khách hàng.

Với những kiến nghị nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi khoản 4 điều 1 nghị định 15. Theo đó, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ xuất hóa đơn có nhiều mức thuế thì phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỉ lệ tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp từ ngày 1/2/2022 đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ sở kinh doanh đã xuất hóa đơn mà ghi rõ thuế suất thì không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.