Góc nhìn luật gia

Để tuồn dầu thải cho các đối tượng đổ trộm vào nguồn nước sông Đà, công ty Gốm sứ Thanh Hà có bị xử lý?

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà phải chịu trách nhiệm trong việc để tuồn dầu thải cho các đối tượng đổ trộm vào nguồn nước sông Đà.

Liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến Nhà máy nước sạch sông Đà, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cho biết, dầu thải mà các đối tượng đổ trộm vào nước sạch sông Đà là của công ty mình.

"Trước hết, tôi phải khẳng định cá nhân tôi và công không có bất kì mối quan hệ nào với các đối tượng đổ trộm dầu thải. Sau khi xảy ra vụ việc, tôi đã gọi điện cho bộ phận kho thì được xác nhận đúng là có vụ việc như vậy. Bộ phận kho của công ty đã lén lút đem cho (hoặc bán) 10 thùng chứa khoảng 10m3 cho nhóm Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám. Hiện, phía công ty đã yêu cầu trưởng bộ phận kho làm báo cáo về vụ việc và sẽ có hình thức kỷ luật. Sai đến đâu chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó”.

Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà.

Trước vấn đề này, nhiều người đặt ra câu hỏi, việc Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà để tuồn dầu thải ra ngoài cho các đối tượng đổ trộm vào nguồn nước sông Đà có bị xử lý hay không?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình – Văn phòng Tinh Thông Luật cho biết:  “Trước hết trong vụ việc này, người trực tiếp cho hoặc bán cho 2 đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017”.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi theo quy định tại diều này , thì bị thấp nhất phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm vào cao nhất bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu kẻ chủ mưu là pháp nhân thương mại thì mức thấp nhất là 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng. Mức cao nhất là từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật hình sự thì đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm.

“Về phía Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cũng phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý chất thải khiến nhân viên kho cho hoặc bán cho các đối tượng. Ở mức độ nào, xử lý ra sao cần được cơ quan điều tra tiến hành điều tra, làm rõ” luật sư Bình nhấn mạnh.

Khánh Ngân