Giáo dục

Đề thi minh họa môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2020 không “vượt chương trình”

Đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ văn được đánh giá không vượt ngoài nội dung chương trình đã được bộ GD&ĐT điều chỉnh. Tuy nhiên, chuyên gia đề xuất Ban ra đề lưu tâm việc diễn đạt chặt chẽ hơn các câu lệnh, tránh gây hoang mang cho thí sinh.

Chiều ngày 3/4, bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 đối với tất cả các môn học.

Trao đổi với PV, TS. Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn, hệ thống Giáo dục Hocmai đánh giá, đề minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ văn nhìn chung không có thay đổi so với đề thi Quốc gia các năm trước.

Theo đó, các đơn vị kiến thức và kỹ năng được kiểm tra không vượt ra ngoài nội dung chương trình được điều chỉnh theo hướng tinh giản mà bộ GD&ĐT mới công bố gần đây.

Cụ thể, bà phân tích: “Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học sinh từ nhiều năm nay.

Phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu, đó cũng là kiểu dạng câu hỏi từ năm 2016.

Đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ văn.

Câu nghị luận văn học yêu cầu nêu “Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị tromg đêm mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)”. Thứ nhất, đây là phần kiến thức trong chương trình học kì II lớp 12, nhưng là nội dung kiến thức đã được giảng dạy (không nằm trong nội dung tinh giản của bộ GD&ĐT); thứ hai, đây là đơn vị kiến thức nhỏ, phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120 phút; cũng là kiểu dạng bài nghị luận quen thuộc với học sinh trong mấy năm gần đây”.

“Nhìn chung, nếu đề thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 bám sát mô hình đề minh họa, các thí sinh sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kỹ năng đã được ôn luyện”, TS. Trịnh Thu Tuyết đánh giá.

Tuy nhiên, TS. Trịnh Thu Tuyết cũng muốn nêu một đề xuất không nhỏ: “Đó là, trong đề thi chính thức, đề nghị Ban ra đề lưu tâm việc diễn đạt chặt chẽ hơn các câu lệnh, tránh gây hoang mang cho thí sinh.

TS. Trịnh Thu Tuyết đánh giá đề thi minh họa năm nay không vượt ngoài chương trình đã được hướng dẫn nội dung kiến thức tinh giản.

Ví dụ, câu Nghị luận xã hội trong đề thi minh họa, khi yêu cầu: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”, học sinh sẽ băn khoăn trong quá trình triển khai hệ thống ý nghị luận, vì đây thực chất là yêu cầu nghị luận cho một bài văn, không phải cho đoạn văn.

Các thí sinh sẽ yên tâm hơn nếu đề bài xác định rõ là “…trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa/ hiệu ứng/ tầm quan trọng/ những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”…”.

Trước đó, ngày 31/3, bộ GD&ĐT đã hướng dẫn những nội dung kiến thức được tinh giản của từng môn học trong học kỳ II lớp 12, giúp học sinh cả nuốc yên tâm ôn tập và chuẩn bị sẵn sàng tâm thế bước vào kỳ thi THPT Quốc gia quan trọng sắp diễn ra.

 

Chiều ngày 3/4, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý chất lựng, bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: “Trong học kỳ II, do dịch Covid-19, tất cả các nhà trường trong cả nước đã chịu một sự ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, để hướng đến kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 tới đây được tổ chức thành công, đặc biệt, gạt bỏ những khó khăn, những lo lắng, những áp lực không cần thiết, đối với giáo viên và học sinh, đặc biệt là đối với học sinh lớp 12, bộ GD&ĐT thấy rằng, việc ban hành đề thi tham khảo là rất cần thiết.

Đề thi tham khảo này sẽ giúp cho các nhà trường, các giáo viên cùng học sinh nghiên cứu kỹ, từ đó, có định hướng dạy học, ôn tập một cách chủ động, để học sinh chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Việc ban hành đề thi tham khảo trong điều kiện này, tôi cho rằng là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của xã hội, đặc biệt là của các giáo viên và học sinh trong các nhà trường”.