Sự kiện

Đề tài hoa lan cấp Quốc gia: Kết quả thực tế có hay như báo cáo?

Dù báo cáo thể hiện nhiều kết quả lớn, nhưng thực tế đề tài cấp Quốc gia do Viện nghiên cứu rau quả thực đã thực sự đạt hiệu quả cao như báo cáo?

Đề tài lỗ, nông dân không mặn mà

Khoa học công nghệ (KHCN) luôn là lĩnh vực được Nhà nước quan tâm, đầu tư. Điều này thể hiện ở việc chi ngân sách liên tục tăng qua các năm. Đơn cử, năm 2021 chi cho KHCN là 7.732 tỷ đồng (chiếm 0,934%, tổng chi ngân sách), thì năm 2022 đã tăng lên 9.140 tỷ đồng (chiếm 1,086% tổng chi ngân sách). 

Các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN được thực hiện giúp năng cao năng lực, chất lượng trong sản xuất, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những đề tài khoa học dù được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng hiệu quả mang lại vẫn là dấu hỏi lớn. Có thể kể đến nhiệm vụ cấp Quốc gia có tên “Sản xuất thử nghiệm 2 giống lan kiếm Thanh Ngọc và Hoàng Vũ tại một số tỉnh phía Bắc” do Viện nghiên cứu rau quả (thuộc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện. 

Đề tài có tổng kinh phí hơn 9,8 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng trên 5 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ 9/2019 - 2/2023. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS Đặng Văn Đông (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả).

Đề tài nhằm mục tiêu “hoàn thiện quy trình, mở rộng sản xuất 2 giống lan kiếm Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng hoa một số tỉnh phía Bắc”. 

Sau "cơn sốt" lan đột biến, giá lan kiếm Thanh Ngọc, Hoàng Vũ cũng lao dốc. Tại làng hoa Mê Linh (Hà Nội) chỉ còn ít giò còn sót lại. 

Tuy nhiên xét về mặt kinh tế, áp dụng sản xuất thì đề tài có vẻ không đạt kết quả cao. Việc kém hiệu quả đã được thể hiện ngay trong “báo cáo tổng hợp kết quả đề tài” với số tiền lỗ hơn 1,39 tỷ đồng. Lý do được đưa ra trong báo cáo là khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. 

Theo khảo sát của PV, loại lan này không được các nhà vườn hiện nay ưa chuộng. Giống lan này chỉ thực sự được nuôi trồng mạnh trong giai đoạn giá lan đột biến “sốt ảo”, từ trước 2020. 

Qua tìm hiểu cho thấy, Viện nghiên cứu rau quả đã ký hợp đồng với một số hợp tác xã (HTX) để sản xuất 2 giống lan trên. Trong đó, HTX Gia Thịnh (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chiếm số lượng lớn. Thế nhưng, chính HTX này hiện nay cũng không kinh doanh giống hoa này, lý do đưa ra là họ chỉ nuôi trồng theo hợp đồng. 

Là một trong những địa phương sản xuất hoa lớn tại Đồng bằng sông Hồng, nhưng nhiều người tại làng Hoa Mê Linh (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) khi được hỏi còn không biết về loại lan này. 

Nhiều người chia sẻ, xã Mê Linh tập trung phát triển các loại hoa phục vụ các dịp lễ, tết, ngày rằm như: hoa cúc, hồng, mẫu đơn, huệ…chứ không ưu tiên hoa lan. 

Viện nghiên cứu rau quả tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Sau nhiều lần gặng hỏi, PV được giới thiệu về 2 hộ gia đình là ông H. và em trai ruột tên Ch. (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) có 2 giống hoa trên. Tìm đến nơi, ông H. nói, họ là những hộ duy nhất ở làng hoa Mê Linh đầu tư 2 giống lan này. Nhưng đó là thời điểm đón làn sóng “sốt ảo” của lan, thời điểm từ trước 2020. 

Về nguồn giống, họ nhập trực tiếp từ Đà Lạt. Thời điểm đó, lan đột biến “sốt” nên dòng lan kiếm cũng “nóng” theo và có giá từ hàng chục triệu đến hàng trăm đồng mỗi giỏ. 

Nhưng rồi, “bong bóng vỡ tan”, kéo theo giá lan lao dốc không phanh, từ đó họ cũng không kinh doanh lan, trong vườn chỉ còn sót lại số ít giỏ lan kiếm như trên. 

Tương tự, tại khu vực Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội), cũng là nơi nuôi trồng rất nhiều các giống hoa cây cảnh, nhưng ghi nhận của PV cho thấy, giống lan chủ yếu ở đây là Hồ Điệp.

Báo cáo liệu đã bám sát thực tế?

Trả lời PV về vấn đề nêu trên, PGS.TS Đặng Văn Đông thừa nhận đề tài không thành công như mong muốn, chỉ xếp loại đạt. Nguyên nhân do khó khăn bởi dịch Covid-19, đồng thời “cơn sốt” lan qua đi, khiến nhiều người không mặn mà với loại hoa này. 

Tuy nhiên, ông Đông khẳng định đề tài được nghiên cứu cẩn thận, trong thời gian dài, không có chuyện cuốn theo “cơn sốt” lan, hai giống lan được nghiên cứu cũng không phải đột biến. “Làm khoa học cũng có những rủi ro, thất bại nhất định”, vị PGS nói. 

Ông Đông cho rằng, bán lan chỉ là một phần của dự án, ngoài ra cái đích của đề tài là nghiên cứu ra quy trình cấy mô thì đã thành công, những tiến bộ kỹ thuật trong đó cũng đã được công nhận. 

Nội dung thể hiện dự án tác động mạnh tới đời sống kinh tế, xã hội trong báo cáo tự đánh giá.

Đánh giá về thực tiễn nhân rộng mô hình trồng lan như mục tiêu đề ra, ông Đông cũng thừa nhận hiệu quả không được như mong đợi. “Tôi đồng ý rằng, chưa có mô hình nào được nhân rộng với quy mô lớn, hiện chỉ có mô hình nhỏ”, vị này nói.

Tuy thừa nhận về hiệu quả kinh tế chưa cao, thực tế nhân rộng còn hạn chế, nhưng tại “Báo cáo kết tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia” trình hội đồng nghiệm thu được ký bởi chính PGS.TS Đặng Văn Đông lại thể hiện lời lẽ hoàn toàn trái ngược. 

Trích nội dung báo cáo:

c, Hiệu quả xã hội 

Dự án đã có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương, đặc biệt là các vùng trồng hoa chủ lực của Việt Nam như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng,...góp phần quan trọng trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương hướng tới những sản phẩm có chất lượng cao.

Dự án đã làm thay đổi nhận thức cho rất nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, từ tư duy sản xuất nông nghiệp, (chủ yếu từ cây lương thực, thực phẩm để có ăn no), sang tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, những chủng loại hoa đẹp, thị trường cần để bán có nhiều tiền, và để làm đẹp cho quê hương, từ đó họ đã biết trân trọng những sản phẩm đặc thù của địa phương.

Có thể thấy rằng, KHCN là yếu tố then chốt tạo nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học không chỉ được Nhà nước luôn chú trọng, đầu tư. Cùng với đó, bản thân mỗi nhà khoa học cần ý thức về trách nhiệm to lớn của bản thân, góp phần sử dụng hiệu quả ngân sách và mang lại những giá trị to lớn cho đất nước. Thực tế, trong công tác nghiên cứu khoa học, không phải tất cả các đề tài, dự án đều thành công. Tuy nhiên, việc báo cáo kết quả nghiệm thu cần sự thẳng thắn, khách quan. Bên cạnh kết quả đạt được, cần đưa ra tất cả khó khăn, tồn tại, phản ánh đúng và đủ bản chất kết quả nghiên cứu. Tuyệt đối tránh vì thành tích mà báo cáo thiếu thông tin, không đầy đủ vì điều này có thể dẫn đến hậu quả về sau.