Giáo dục

Đề Ngữ văn nhạy cảm, không có tính giáo dục khiến nhiều người ngán ngẩm

Vừa qua, đề kiểm tra cuối kỳ môn Ngữ văn lớp 9 tại Gia Lai đã khiến nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia... giật mình.

Đề thi... khiến học sinh ngày càng hỏng

Cụ thể, trong đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I (2020 - 2021) của phòng GD&ĐT huyện Chư Sê (Gia Lai) có nội dung như sau:

“Căn răng mà chịu

Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu “Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu”.

Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: “Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn”.

Nhiều phụ huynh và giáo viên đã có ý kiến rằng, đề Ngữ văn này có hàm ý dung tục, trí trá, không phù hợp với học sinh lớp 9. Chưa kể, đề Ngữ văn trên sẽ hướng học sinh tới câu chuyện lật lọng trong cuộc sống.

Một số đồng nghiệp tỏ ra ngán ngẩm với cách ra đề của phòng GD&ĐT huyện Chư Sê: “Không tin được dù đó là sự thật! Không hiểu giáo viên ra đề có hiểu việc ra đề không phải là chỉ để học sinh làm bài mà còn tác động đến tâm lý của các em không nhỉ? Mình chỉ ra đề cho học sinh lớp mình dạy mà cân nhắc đủ thứ, đây là đề của phòng GD&ĐT, giáo viên cốt cán của 1 huyện mà không có trình độ”.

Đề kiểm tra cuối kỳ I môn Ngữ văn (nam học 2020-2021) đang khiến nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia cảm thấy khó hiểu và bức xúc.

Thậm chí, có những giáo viên còn phải thốt lên: “Đọc những đề thi như vậy, thấy muốn bỏ nghề quá! Không biết những người đồng nghiệp của mình học đã học những gì?”.

Bên cạnh đó, ngay khi biết đến đề thi này, nhiều người tỏ ra bức xúc và khó hiểu: “Thiếu gì ngữ liệu có tính giáo dục mà giáo viên lại lấy những ngữ liệu kiểu này để dung tục cho học sinh lớp 9 nhỉ”; hay “Đây tuy là truyện cười nhưng trong đời sống cũng phải biết tùy nơi mà kể, huống chi đây lại đưa vào đề kiểm tra của học sinh”; “Người ra đề thể hiện sự non kém về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm”...

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài (giáo viên môn Ngữ văn tại TP.Hồ Chí Minh) phân tích: “Nhiều giáo viên cho rằng, ngữ liệu “Cắn răng mà chịu” này là câu chuyện nhảm nhí, dung tục, lật lọng, tráo trở và tuyệt nhiên không hề có tính giáo dục đối với học sinh bậc phổ thông.

Đây là đề thi của một phòng GD&ĐT, cho thấy sự yếu kém, cẩu thả, dễ dãi của cả một hệ thống từ giáo viên ra đề, tổ trưởng chuyên môn duyệt đề, cho đến việc lựa chọn đề của chuyên viên phòng. Một đề thi đáp ứng yêu cầu học thuật trước hết phải tường minh, có tính chân, thiện, mỹ và phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi”.

 

“Một đồng nghiệp của tôi còn gay gắt khi cho rằng, nên xem lại tư cách của giáo viên ra đề. Ra đề như thế này, trách sao học sinh ngày càng hỏng... Người ra đề chủ yếu là cứ thích lạ, mới, giật gân, hấp dẫn... ra vẻ đổi mới và có... hơi thở cuộc sống. Nhưng đề văn khác với cái chợ!” - vị giáo viên môn Ngữ văn này nhấn mạnh.

Xử lý vội vàng, chưa thuyết phục

Ngày 17/1, theo thông tin từ sở GD&ĐT Gia Lai, phòng GD&ĐT huyện Chư Sê đã yêu cầu giáo viên viết giải trình vì ra đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I (năm học 2020 - 2021) chứa nội dung nhạy cảm. Theo đó, phòng GD&ĐT huyện Chư Sê đã xác định mức độ vụ việc chưa đến mức kỷ luật nên đã kiểm điểm giáo viên này, đồng thời yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc.

Theo ThS. Phan Thế Hoài, việc xử lý như trên là vội vàng và chưa thuyết phục.

Trước vấn đề này, ThS. Phan Thế Hoài bày tỏ: “Tôi cho rằng, xử lý như vậy là vội vàng và chưa thuyết phục! Bởi, giải trình là giải trình thế nào? Do yếu kém chuyên môn, tắc trách hay lý do nào? Điều đó tác động đến tâm lý học sinh thế nào? Dư luận phụ huynh ra sao? Rồi uy tín danh dự của nhà trường ra sao?

Theo tôi, nên cấm người ra đề giảng dạy ít nhất 1 học kỳ hoặc 1 năm học để trau dồi thêm chuyên môn. Không cho chuyên viên phụ trách chuyên môn nữa mà chuyển sang làm văn phòng - thế mới gọi là kỷ luật. Luật Viên chức không có nội dung nào rút kinh nghiệm sâu sắc cả”.

Trước đó, cũng có những trường hợp ra đề thi Ngữ văn với ngữ liệu không phù hợp và phản giáo dục tương tự. “Một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 11 tại Hải Phòng năm 2019, từng đưa Khá “bảnh” vào, đây là nhân vật được một bộ phận giới trẻ tung hô trên mạng xã hội như một “ngôi sao”, cho thấy có sự lệch chuẩn về giá trị sống. Như vậy mà đưa vào đề thi Ngữ văn thì bản thân nội dung đó có yếu tố hết sức nhạy cảm với học sinh. Nhất là những học sinh làm bài với đề thi như vậy, nếu không biết, không tìm hiểu, không quan tâm nhân vật đó, nhưng trước yêu cầu của đề bài, các em thả một vài dòng cảm xúc ngô nghê, đi theo hướng “bám đề”, rất có thể sẽ sa đà vào điều lệch chuẩn, không đúng mong muốn trong giáo dục đạo đức, nhân cách sống của học sinh” - một chuyên gia phân tích.