Sự kiện

Đề nghị hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực

Ngày 12/4, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã có buổi hội đàm với ngài Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam.

 

Nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức thời đại

Tại Hội đàm, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ sự cảm ơn đối với những hoạt động hỗ trợ của FAO cho Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh 30 năm trước đây, giai đoạn đất nước ta đang tiến hành đổi mới, gặp nhiều khó khăn trong vấn đề an ninh lương thực. Thứ trưởng hy vọng, mối quan hệ tốt đẹp này sẽ được duy trì và ngày càng mở rộng hơn trên nhiều phương diện.

Thứ trưởng cũng cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang bước vào một thời kỳ then chốt khi Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong chiến lược mới, người nông dân sẽ được coi là vai trò chủ thể, là trung tâm phát triển. Ngoài vấn đề tăng trưởng, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xuất khẩu còn một mục tiêu vô cùng quan trọng mà Chiến lược mới hướng đến đó là tăng trưởng “xanh”, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo phát triển bền vững.

Thứ trưởng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của FAO, các tổ chức quốc tế khác trong suốt giai đoạn xây dựng Chiến lược và bày tỏ mong muốn, FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ NN-PTNT trong quá trình triển khai tới đây.

Đáp lại, ngài Rémi Nono Womdim gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm và giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam nói chung, Bộ NN-PTNT nói riêng trong quá trình FAO triển khai công tác tại Việt Nam.

Trưởng đại diện tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc sự hợp tác giữa Việt Nam và FAO khi hai bên thường xuyên ký kết khung hợp tác, phối hợp hành động với định kỳ 5 năm một lần.

Ngài Trưởng đại diện cũng cho biết, các vấn đề thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, di dân tự do, suy thoái tài nguyên đã hiện diện tại Việt Nam và đây là một trở ngại lớn cho quá trình phát triển của nền nông nghiệp nước ta. Trước tình hình đó, Việt Nam buộc phải thay đổi về phương thức và tư duy sản xuất, ứng dụng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, tăng trưởng và phát triển bền vững.

Hoạt động hợp tác cụ thể và gắn kết

Ngài Rémi Nono Womdim cũng thông báo về các dự án mà FAO đang phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để triển khai.

Dự án TCP: “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” do Cục Bảo vệ thực vật thực hiện. Mục tiêu dự án hướng đến là xây dựng và củng cố Chiến lược quốc gia về Sức khỏe cây trồng (NPHS). Trong đó, các vấn đề về an toàn thực phẩm, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý dịch hại xuyên biên giới được lồng ghép . FAO cũng đang xây dựng và khởi động “Kế hoạch Quốc gia về Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng (IPHM) giai đoạn 2021- 2025”. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, huấn luyện để nâng cao năng lực giảng viên, các nhân sự liên quan cũng được tổ chức này chú trọng đẩy mạnh.

FAO tiếp tục hỗ trợ việc chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, bao trùm hơn, không để một người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau.

Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” do Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện tại Sơn La. Mục tiêu là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả, đáp ứng các tiêu chuẩn về an tooàn vệ sinh thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính, hỗ tợ tập huấn, đào tạo và kết nối thị trường.

Và một số dự án hỗ trợ kỹ thuật khác về REDD+, Zero Hunger, Thủy sản…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh vui mừng trước sự hợp tác và phối hợp hành động giữa hai bên đã đem lại nhiều kết quả thiết thực.

Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian sắp tới, FAO tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp trong công tác triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Triển khai thực hiện khung Chương trình CPF giai đoạn 2022-2026 vừa ký kết giữa FAO và Bộ NN-PTNT. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nông sản và tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ kỹ thuật cho dinh dưỡng đất, sức khỏe cây trông và đa dạng hóa mùa vụ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị FAO hỗ trợ Việt Nam hơn nữa trong công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh: Đinh Tùng)

Thứ trưởng cũng đề nghị, FAO hỗ trợ nâng cao năng lực và xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực, là khía cạnh Việt Nam còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, FAO cần tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp quản lý sinh vật gây hại trong điều kiện chịu tác động biến đổi khí hậu bằng biện pháp sinh học.

Nghiên cứu các biện pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, chống suy thoái đất đai, hướng tới nền nông nghiệp xanh.

Công tác quản lý vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, phát triển mô hình chuyển đổi số trong công tác quản lý cũng được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề cập đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ thực vật nhằm hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp trong quá trình truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả sản xuất.