Tiêu điểm

Đề nghị Ban Bí thư khai trừ Đảng đối với ông Tất Thành Cang

Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII tại kỳ họp thứ hai đã đề nghị Ban Bí thư xem xét khai trừ Đảng đối với ông Tất Thành Cang.

Trong các ngày 18, 19 và 22/3/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã họp Kỳ thứ hai. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét các báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang, do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Trước đó, Viện KSND TP.HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với ông Tất Thành Cang và 18 đồng phạm trong vụ án Tham ô và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Theo đó, VKS yêu cầu cơ quan điều tra xác định lại thiệt hại trong vụ án.

Ngày 12/1, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKS cùng cấp, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và đồng phạm.

Ông Tất Thành Cang là cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015–2020 đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng, như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ thành phố.

Thời điểm giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM ông Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương cho công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (công ty IPC) bán cổ phần tại công ty con Sadeco. Tuy nhiên, việc bán cổ phần này sai so với đề án tái cơ cấu của công ty IPC, sai quy định pháp luật, và gây thiệt hại cho công ty Sadeco ít nhất 153 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra cho thấy công ty IPC trình UBND TP.HCM phương án tăng vốn điều lệ, giảm tỉ lệ sở hữu là sai với đề án tái cơ cấu nhưng lại được ông Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco.

Sadeco đã bán 9 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược công ty Nguyễn Kim với giá bán cổ phần thấp hơn giá thị trường 17.000 đồng/cổ phần để thu về 360 tỷ đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền này được Sadeco gửi ngân hàng lấy lãi. Việc bán cổ phần cho cổ đông chiếc lược trên sai quy định vì việc chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu không thông qua đấu giá công khai. Giá cổ phần cũng không được thẩm định hợp pháp gây thiệt hại cho công ty Sadeco ít nhất 153 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Tất Thành Cang có vi phạm liên quan đến việc công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (công ty Tân Thuận) chuyển nhượng hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Công ty Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP HCM) đã bán hơn 320.000m² đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Khu đất có vị trí đẹp ở cạnh sông Sài Gòn, nhưng giá chuyển nhượng chỉ rẻ bèo ở mức 1,29 triệu đồng/m². Việc chuyển nhượng bị cho là thiếu minh bạch, bán cho tư nhân không qua đấu thầu, giá chuyển nhượng rẻ bèo hơn nhiều lần so với giá thị trường. Công ty Tân Thuận chỉ thu về cho ngân sách số tiền hơn 419 tỷ đồng, trong khi có thể thu về hơn 2.000 tỷ đồng nếu bán theo giá thị trường.

Tháng 12/2017, Thường trực Thành ủy TP HCM đã chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu đàm phán lại với công ty đối tác. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai. Đến nay hai bên đã hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng và không gây thiệt hại kinh tế cho công ty Tân Thuận.

Việc ký kết hợp đồng giữa công ty Tân Thuận và công ty Quốc Cường Gia Lai là không đúng quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố. Văn phòng Thành ủy không thẩm định giá đề xuất chuyển nhượng của công ty Tân Thuận khi giá này không phù hợp với điều kiện thị trường, sẽ gây thất thoát nghiêm trọng nếu Ban Thường vụ Thành ủy không chỉ đạo hủy hợp đồng kịp thời.

H.M